Quốc hội thảo luận về Luật luật sư, Luật điện lực

(VOV5)-  Quy hoạch phát triển điện lực và giá bán điện cùng các loại phí là 2 vấn đề chính được các đại biểu Quốc hội tập trung bàn thảo chiều 23/10 khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.


Quốc hội thảo luận về Luật luật sư, Luật điện lực - ảnh 1
Ảnh: theo vtv


Luật Điện lực được Quốc hội thông qua năm 2004 đến nay có một số bất cập cần phải chỉnh sửa. Dự thảo Luật sửa đổi có thêm quy định: Ưu tiên hỗ trợ phát triển điện năng cho những nơi chưa có điện lưới quốc gia; áp dụng chính sách ưu đãi với các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo; Bắt buộc lựa chọn công nghệ tiên tiến đối với các công trình, dự án đầu tư mới của ngành điện; Chuyển giá bán điện sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Ông Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nêu ý kiến:
Về quy hoạch phát triển điện lực, tôi đồng tình quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành. Để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo tính khả thi thì việc thực hiện quy hoạch điện lực chỉ bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh. Tôi thống nhất cao với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu là quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo là phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và của địa phương.


Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư với những quy định nhằm nâng cao chất lượng luật sư như tăng thời gian quy định đào tạo nghề luật sư; Luật sư phải tham gia các khóa bồi dưỡng bắt buộc hàng năm. Ông Bùi Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đồng tình về việc cho viên chức tham gia giảng dạy tại các Trường đại học luật được hành nghề Luật sư:Các giảng viên ở các Trường đại học luật là những người giỏi, nếu không cho phép lực lượng này hành nghề luật sư thì lãng phí về chất xám trong hoạt động tố tụng. Mặt khác, việc ngăn cản này cũng hạn chế và không tạo điều kiện để gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giảng dậy ở các Trường đại học luật và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công tác đào tạo luật sư.


Cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn dự kiến được tiến hành hàng năm theo hình thức bỏ phiếu kín./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác