Sẽ đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước tại quần đảo Trường Sa

(VOV5) - Nhiều phát hiện mới từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã góp phần cập nhật những thành tựu khảo cổ, khẳng định giá trị văn hóa các di tích khảo cổ học, đồng thời có phương án bảo vệ hợp lý. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu tại lễ bế mạc Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 49 do Viện Khảo cổ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức trong hai ngày 25 và 26/9 tại Hà Nội.


Sẽ đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước tại quần đảo Trường Sa - ảnh 1

Trong số hơn 400 bài tham luận, nghiên cứu được giới thiệu tại hội nghị, nổi lên những vấn đề như phát hiện về bộ sưu tập công cụ có niên đại từ 130 nghìn năm, khắc đá ở Sơn La và những nghiên cứu giải mã khắc đá, xác định rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn trong quá trình khai quật Khu di tích Điện Kính Thiên. Đặc biệt, năm 2014 cũng là năm ghi dấu ấn của ngành khảo cổ học tại Trường Sa. Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết sau khi tiến hành khảo sát ở 4 đảo Phan Vinh, Sơn Ca, Trường Sa lớn và Nam Yết, đoàn khảo cổ học đã phát hiện hiện vật gốm thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, các đồ sành, sứ của các thời đại độc lập, tự chủ của Việt Nam… khẳng định người Việt đã có mặt rất sớm tại quần đảo Trường Sa: Những tư liệu đó cùng kết hợp với tư liệu khác như lịch sử văn hóa, ngoại giao, ngay cả những công ước, hiệp ước thì chúng ta đã góp một tiếng nói vào việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa,Khánh Hòa.

Trong thời gian tới, Viện Khảo cổ học sẽ đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước, tiếp tục khẳng định việc bảo vệ và bảo tồn các giá trị di sản tại quần đảo Trường Sa.

Phản hồi

Các tin/bài khác