Sơ kết Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới khu vực phía Nam

 (VOV5) - Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Cà Mau, diễn ra ngày 19/9, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 2 năm thực hiện, 32/32 tỉnh, thành phố phía nam đã kiện toàn bộ máy Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và 70 % cấp xã đã thành lập Ban quản lý dự án. Các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Nông, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Kiên Giang cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt qui hoạch từ 90 % trở lên. 

Sơ kết Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới khu vực phía Nam - ảnh 1
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP


Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng; qua đó chỉnh trang, nâng cấp gần 26 ngàn kilômét đường giao thông nông thôn, 8.000 kilômét kênh mương, xây dựng 2.000 mô hình sản xuất, nổi bật là mô hình cánh đồng mẫu lớn...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho biết thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tiến hành bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách trình Thủ tướng phê duyệt về sửa đổi tiêu chí nông thôn mới; qui trình thủ tục xét duyệt, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn...

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Điều quan trọng nhất đảm bảo sự thắng lợi trong thực hiện chương trình đó là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cáp ủy về công tác xây dựng nông thôn mới. Nơi nào thật sự quan tâm chỉ đạo thì công việc xây dựng nông thôn mới tiến triển tốt và công cuộc này chỉ thành công khi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thực tế chúng ta đã có ban chỉ đạo, các văn phòng chỉ đạo việc này, nhưng căn bản nhất là việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phải chuyên nghiệp, phù hợp thực tế mỗi địa phương”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác