(VOV5) - Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á-Thái Bình Duơng thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, ngày 8/5 mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động của Trung Quốc.
|
Giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. |
Trong thông cáo báo chí, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega khẳng định giàn khoan HD981 đã được hạ đặt trái phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý. Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega tuyên bố một cách dứt khoát rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở chiểu theo lụât pháp quốc tế. Các hành động khiêu khích này của Trung Quốc là một sự leo thang với chủ ý đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Cũng trong ngày hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương Danieal Russel, tại cuộc gặp gỡ với báo chí trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, khẳng định Hoa Kỳ phản đối các hành động làm thay đổi nguyên trạng, ảnh hưởng tới tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như các hành động sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc.
Cùng ngày, tại cuộc gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico Alberto Anaya Gutiérez nhấn mạnh chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam, luật pháp quốc tế ủng hộ Việt Nam và vấn đề này cần phải thảo luận tại các tổ chức quốc tế trên bình diện đa phương.
Không chỉ các học giả quốc tế, học giả, nhà nghiên cứu pháp luật, lịch sử trong nước cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng đối chiếu Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tọa độ mà phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tính từ đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam mà Nhà nước Việt Nam đã công bố. Tất cả các yếu tố pháp lý và khoa học đều cho thấy, vùng này không phải là vùng chồng lấn, không hề có tranh chấp.
Nhiều nước châu Á và châu Âu lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ việc này. Tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh hành động của Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng trong khu vực". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng lo ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ DOC và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS năm 1982.