Có mặt trong buổi gặp nhân Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam là những lãnh đạo, cán bộ kỳ cựu của ngành Ngoại giao qua các thời kỳ, đại diện cho hơn 2.000 cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu và gần 2.400 cán bộ ngoại giao đang công tác.
Trong đó có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các thế hệ cán bộ ngoại giao
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các nhà ngoại giao lão thành đã phát biểu bày tỏ niềm tự hào được Đảng, Bác Hồ quan tâm, chỉ đạo trực tiếp ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong đó vinh dự lớn nhất của ngành là: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, là người đặt nền móng cho ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Trong 70 năm qua, ngành Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những thắng lợi trên bàn đàm phán, từ Hội nghị Geneve 1954, Hội nghị Paris 1973, cho đến thời kỳ phá thế bao vây cô lập, mở rộng quan hệ đối ngoại, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với các nước quan trọng trên thế giới; đến việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới, đóng góp tạo dựng môi trường hòa bình để phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Ngoại giao có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cha ông ta trước đây và ngày nay đều chủ trương giữ nước từ khi nước chưa nguy, giữ nước từ ngoài biên giới, từ xa.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng này càng phát triển lên tầm cao mới. Ngoại giao và hoạt động ngoại giao càng có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong thời bình.
Tổng Bí thư nêu rõ: Chưa bao giờ Việt Nam có vị thế như hiện nay và chưa bao giờ ngành Ngoại giao có đội ngũ hùng hậu như bây giờ. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi còn không ít khó khăn, thách thức và phức tạp khó lường.
Do đó đòi hỏi ngành Ngoại giao phải nỗ lực lớn hơn nữa. Cần phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm. Mục tiêu cao nhất là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đồng thời cũng phải quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ. Cán bộ ngoại giao phải có lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác. Tổng Bí thư mong rằng, các thế hệ cán bộ ngoại giao đi trước có nhiều kinh nghiệm công tác sẽ tiếp tục đào tạo, dìu dắt, giúp đỡ các thế hệ hiện nay và mai sau.
Đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành với đất nước trong 70 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc mừng tới toàn thể các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao nhân dịp ngày truyền thống; tin tưởng ngành sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới.