(VOV5)- Ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Việc làm bền vững cho lao động di cư và các giải pháp tại nước phái cử”.
Các đại biểu dự Hội thảo đều cho rằng: Việc đưa lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài đang được Chính phủ Việt Nam coi là một Chiến lược quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên tinh thần đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; phát triển thị trường lao động ngoài nước; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý lao động tại nước ngoài.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng:“Trước tiên phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ngoại ngữ, đặc biệt hỗ trợ xây dựng một số cơ sở đào tạo lao động phục vụ xuất khẩu; đặc biệt trong thời gian lao động ở nước ngoài, các ban quản lý lao động ở nước ngoài có cán bộ quản lý cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động”
Đồng tình với những kiến nghị trên, các chuyên gia của ILO và đại diện của các nước trong khu vực ASEAN, cho rằng cần tăng cường sự liên kết giữa các nước trong khu vực, cả nước phái cử lao động và nước tiếp nhận lao động; tăng cường bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc tại nước ngoài trong cộng đồng khu vực ASEAN. ASEAN cần hình thành một cam kết về lao động di cư trên cơ sở hợp tác liên quốc gia giữa các nước nhằm thực thi những chính sách về sau tuyển dụng và quyền của lao động di cư./.