Việt Nam phản bác những lập luận thiếu thuyết phục của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông
(VOV5) - Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn có bài viết với tiêu đề “Các diễn biến mới đáng lo ngại” trên tờ “Bưu điện Jakarta” nhằm bác bỏ những lập luận thiếu thuyết phục này.
Phản bác bài viết mới đây của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Xu Bu đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta” (Jakarta Post) với nhan đề “Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, trong đó đưa ra nhiều lập luận xuyên tạc nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như nguỵ biện cho hàng loạt bước đi của nước này ở Biển Đông, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn có bài viết với tiêu đề “Các diễn biến mới đáng lo ngại” trên tờ “Bưu điện Jakarta” nhằm bác bỏ những lập luận thiếu thuyết phục này.
|
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: tgvn.com.vn |
Trong bài viết, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành bay thử máy bay dân sự ra đảo đá Chữ Thập của Việt Nam, đồng thời tiến hành 46 chuyến bay trong vùng thông báo bay của Việt Nam từ ngày 1-8/1/2016, Trung Quốc đã thể hiện rõ hơn ý định bành trướng của Bắc Kinh ở một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với giao thương hàng hải ở Đông Nam Á và thế giới. Điều này không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định như Công ước quốc tế về Hàng không dân dụng. Sau khi đưa ra các chứng cứ lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, phản bác lại các lập luận “trái với thực tế” của Đại sứ Xu Bu, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra ba đề xuất để Trung Quốc biến các lời nói duy trì và ổn định ở Biển Đông thành hiện thực, bao gồm: Trung Quốc cần phải dừng tất cả các công trình xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và cần chấm dứt hành vi làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa Biển Đông; Trung Quốc phải cam kết duy trì nguyên trạng và nhanh chóng chấm dứt việc xây dựng sân bay tại đá Chữ Thập của Việt Nam vì điều này đe dọa chủ quyền của Việt Nam, hòa bình, ổn định trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; Trung Quốc cần thực hiện đầy đủ DOC, có thiện chí đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN và cam kết giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là những bước đầu tiên và quan trọng để tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Nam Á, và điều này tất nhiên sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho Trung Quốc.