Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê ở tỉnh An Giang


(VOV5) - Sáng 10/2, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê và công nhận bảo vật quốc gia.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê ở tỉnh An Giang - ảnh 1Mặt trên của Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, niên đại thế kỷ thứ III-IV trước Công Nguyên - bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích quy hoạch là hơn 433ha. Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã phát lộ của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; nghiên cứu, khảo sát, mở rộng phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ và bổ sung, làm rõ các giá trị liên quan đến di tích, nhất là trong mối liên hệ với các di tích, di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa, văn minh Óc Eo. Đồng thời, quy hoạch được thực hiện nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học, để nhận diện đầy đủ, làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức công bố công nhận của Thủ tướng Chính phủ về Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (niên đại thế kỷ thứ III-IV trước Công Nguyên) và nhẫn Nandin Giồng Cát 9 (niên đại thế kỷ V Trước Công Nguyên) là hai bảo vật quốc gia. Cả hai bảo vật này hiện được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang.

Dịp này, tỉnh An Giang cũng giới thiệu 2 quyển sách: "Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong" của tác giả Louis Malleret và "Na Phật Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ biên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác