(VOV5) - Hội thảo khẳng định vai trò định hướng của ngôn ngữ báo chí trong việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
Chiều 05/11, hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức bế mạc sau một ngày làm việc tích cực. Hội thảo đã nhận được 245 tham luận, báo cáo, ý kiến từ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, phóng viên, biên tập viên và những người quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc. Với 3 tiểu ban, thảo luận 3 chủ đề: Những vấn đề chung trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình; Tiếng Việt trên báo Việt (báo in, báo điện tử), hội thảo khẳng định vai trò định hướng của ngôn ngữ báo chí trong việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Do vậy, các cơ quan báo chí và những người làm báo phải là những người tiên phong, sáng tạo, truyền cảm hứng trong việc sử dụng ngôn ngữ.
|
Những vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng... được ra ra bàn bạc, xem xét tại Hội thảo. |
Đánh giá về kết quả hội thảo, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết: “Trong hội thảo lần này, chúng ta nêu ra được sự cần thiết phải giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nói chung; các phương tiện thông tin đại chúng phải làm gương, làm mẫu và phải lan tỏa đến toàn xã hội. Từ những kiến nghị của các nhà khoa học, các nhà báo và những người yêu mến Tiếng Việt, đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội cần hoàn thiện đường lối chính sách pháp luật về ngôn ngữ nói chung trong đó có tiếng Việt và có một yêu cầu đặt ra là chúng ta cần có bộ luật về ngôn ngữ, trong đó Tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ Quốc gia. Từ hội thảo này, các cơ quan báo chí cũng xác định cho mình một nhiệm vụ không chỉ là sử dụng ngôn ngữ thật tốt mà còn lan tỏa ý thức, đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong toàn dân và cả xã hội”.
Những ý kiến đóng góp cho hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" sẽ được xuất bản thành kỷ yếu để gửi đến các đại biểu, các cơ quan báo chí và các nhà quản lý.