Các địa phương khắc phục hậu quả bão Jebi và triển khai phòng chống mưa, lũ

(VOV5)- Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết: Tính đến sáng 4/8, bão Jebi làm 4 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại; nhiều cột điện, cột ăng ten viễn thông bị đổ; vỡ 1 số lồng bè nuôi trồng thủy sản…


Các địa phương khắc phục hậu quả bão Jebi và triển khai phòng chống mưa, lũ  - ảnh 1
Một đoạn cầu tàu đón-trả khách du lịch tại cảng khách quốc tế Hòn Gai đang bị sóng đánh vỡ. Ảnh: Ngọc Duy/laodong.com.vn


Tỉnh Quảng Ninh là địa phương thiệt hại nặng nhất với 3 người bị thương nhẹ, 2 cột ăng ten viễn thông bị đổ, nhiều nhà dân, công trình dân dụng, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Tại tỉnh Lạng Sơn, bão Jebi làm 243 nhà bị tốc mái và sạt lở 1.300 mét khối đường giao thông. Ngoài ra bão còn làm hư hỏng 60 ha hoa màu và làm đổ cột tiếp sóng truyền hình ở huyện Ðình Lập.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị sập, bị đổ, bị tốc mái. Bên cạnh đó huy động lực lượng để hỗ trợ các cơ quan, trường học bị ngập nước khẩn trương khắc phục hậu quả của bảo, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. Đối với các thị trấn thị tứ, trong cơn bão hôm qua làm cây cối đổ nhiều thì phải thu dọn không để ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông.

 

Sau bão Jebi, tỉnh Bắc Giang có 1.500 ha lúa bị ngập, trong đó hơn 1/3 ngập trắng không có khả năng khắc phục. Hiện, các công ty khai thác công trình thủy lợi đang vận hành thoát nước cứu lúa. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết: Các trạm bơm của các Công ty thủy nông các địa phương đã được chỉ đạo vận hành bơm hết công suất, liên tục 24/24 giờ. Mực nước ngoài sông đối với các triền sông của tỉnh Bắc Giang vẫn ở mức chưa cao, trên báo động 1 thôi. Do vậy chưa ảnh hưởng đến việc bơm tiếu úng từ nội đồng ra sông.

 

Trong khi đó, các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc đã phát huy tinh thần chủ động trong việc di dời dân và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống lụt bão, góp phần làm giảm thấp nhất những thiệt hại về tài sản và hoa màu tại những vùng thấp trũng. Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái, cho biết: Tất cả những vùng trũng của dọc các huyện cũng đã lên phương án di dời dân. Riêng khu vực dân cư vùng trũng ven Sông Hồng tỉnh cũng đã có lệnh cho các huyện di chuyển dân ra khỏi vùng ngập lụt. Nước Sông Hồng có khả năng lên báo động 3, vì vậy bà con cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng rồi

 

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, ngày hôm nay, các tỉnh Tây Bắc sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to trên diện rộng, xuất hiện lũ trên nhiều sông, suối nhỏ. Vì vậy, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và nhân dân các địa phương này vẫn tiếp tục chủ động đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác