(VOV5) - Do điều kiện lịch sử để lại nêntrên giấy tờ pháp lý người M’nông ở tỉnh Đắk Nông chỉ ghi tên mà không ghi họ, và ghi tên đệm là Y, ĐIỂU, K, H, THỊ vào trước tên gọi để phân biệt nam - nữ. Vì vậy mà nhiều người Mnông không biết về nguồn gốc dòng họ của mình. Trước thực trạng này, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng đề tài “Xác định cơ sở khoa học làm căn cứ cho việc ghi tên dòng họ M’Nông”, và từ năm 2010 bắt đầu thực hiện việc ghi họ cho người Mnông.
|
Ảnh minh họa:internet |
Nghe âm thanh tại đây:
Vừa thực hiện gần 200 phiếu khảo sát lấy ý kiến của bà con đánh giá về việc ghi tên họ dân tộc Mnông theo yêu cầu của UBND tỉnh Đắk Nông, chị H’Oanh Buôn Krông, ở bon U3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, cho biết: Bà con buôn làng rất phấn khởi với chủ trương của tỉnh: "Việc ghi họ tên thuận lợi như vậy thì rất có ý nghĩa cho bà con. Khi ta biết được dòng họ của mình thì sau này con cháu sẽ tránh được việc kết hôn cận huyết thống. Có họ tên đầy đủ thì ta cũng dễ tìm gặp khi có việc gì đó. Như tại 3 bon ở thị trấn thì đã có rất nhiều dòng họ, như B’Krông, Ya, Ktul, Knul, Ayun, Preng, Kpơr… Một số dòng họ thì lấy theo địa hình, một số thì viết theo các hiện tượng sự vật… nói chung là đầy đủ hết. Bà con rất là vui".
Đến nay, tại thị trấn Ea Tling, đã có hơn 300 trường hợp ghi tên họ người Mnông, chủ yếu là trẻ đăng ký khai sinh và một số trẻ em mang họ bố hoặc mẹ là người dân tộc khác xin đổi lại họ dân tộc Mnông. Ông Lê Quang Ngọc, Cán bộ tư pháp hộ tịch thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jut, cho biết: Không có gì khó khăn trong việc ghi tên dòng họ cho người Mnông ở địa phương vì chủ trương này rất hợp với mong muốn của bà con là ghi tên nhận họ rõ ràng: "Người dân đến đây là được cán bộ hướng dẫn đầy đủ. Thứ hai là có lớp trẻ bây giờ học hành đến nơi đến chốn, nhiều lúc bố mẹ không biết chữ thì đã có con đi theo để giúp ghi tờ khai. Họ nói rằng việc này là rất phù hợp với đồng bào, để ghi tên tuổi cho rõ ràng. Là họ đều ghi theo phong tục của bà con, thường là ghi tên trước - họ sau, ví dụ như Y Quang Bkrông, H’An Knul …".
Việc ghi tên họ cho người Mnông đã được tỉnh Đắk Nông triển khai rộng rãi từ năm 2010. Trước đó, tỉnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Xác định cơ sở khoa học làm căn cứ cho việc ghi tên dòng họ M’Nông”. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có hơn 1000 người Mnông ở tỉnh Đắk Nông thực hiện việc ghi rõ họ tên. Tuy vậy, đối tượng chủ yếu là đăng ký khai sinh cho trẻ em và học sinh đến tuổi đi học. Với người lớn, do việc thay đổi họ tên liên quan đến các loại giấy tờ pháp lý, nên số người thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù có rất nhiều người mong muốn được ghi rõ họ của mình. Ông Điểu Kré, ở bon Bu Bia, xã Quảng Tín, huyện Đắk Rlấp, chia sẻ: "Mỗi dòng tộc có một họ khác nhau. Thì chúng tôi chưa có họ, tôi mong muốn Đảng nhà nước quan tâm hơn, dù đã có chương trình rồi, nhưng mà thay đổi nó khó vì nhiều giấy tờ liên quan, hộ khẩu, bằng cấp. Như tôi là Ya Kré, không phải Điểu Kré, ví dụ như thế.
Dân tộc Mnông có tổng cộng khoảng 40 dòng họ. Mỗi dòng họ gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết, lịch sử, được gọi theo sự vật hiện tượng tự nhiên, hoặc tên con vật, cây cỏ, địa danh như tên núi, tên sông, tên buôn bon… Bà Hà Thị Hạnh, Trưởng ban dân tộc tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Từ nhu cầu thực tế cuộc sống, thứ nhất là muốn bà con nhớ về cái gốc của mình, thứ hai là trong việc con em đi học có rất nhiều cái phức tạp; thứ ba là trong quản lý hộ tịch hộ khẩu thì có nhiều sự trùng hợp, và có nhiều yếu tố khác liên quan về văn hóa nữa, nên Ban dân tộc đã tham mưu thực hiện Đề án ghi tên dòng họ cho người Mnông. Sau khi đánh giá để thấy những việc đã làm được cũng như những hạn chế vướng mắc, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện đề án này sâu hơn, rộng hơn, giúp bà con hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, và việc quan trọng là ghi tên dòng họ của mình".
Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đang thực hiện cuộc khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của bà con ở các buôn trong toàn tỉnh về việc ghi tên họ dân tộc Mnông, để có những biện pháp thực hiện sát thực, cụ thể hơn trong thời gian tới. Tỉnh xác định việc ghi tên họ cho người Mnông cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn, củng cố và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc bản địa, đồng thời bảo hộ quyền và lợi ích của người Mnông theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.