Diễn xướng Hầu đồng là một trong ba nội dung chính của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt- chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2016. Nhưng nếu không có những hoạt động quảng bá cụ thể, phần văn hóa quan trọng này sẽ rất khó được bạn bè thế giới biết đến. Chưa có được một quy trình, chiến lược cụ thể, nhưng những nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam bằng vào sự năng động của mình đã cố gắng để diễn xướng hầu đồng không chỉ được nghe, được đọc trên các phương tiện thông tin mà còn được tận mắt thưởng thức. Quá trình đó là sự nỗ lực, tự nguyện và tấm lòng hi sinh không nhỏ để văn hóa người Việt đến với bạn bè khắp năm châu.
Một giá hầu đồng |
Diễn xướng hầu đồng chứa đựng nhiều đặc trưng riêng biệt của văn hóa dân tộc |
Chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo vốn trọng nam, khinh nữ... nhưng sự tiếp biến rất đặc biệt của văn hóa dân gian Việt Nam đã vượt thoát ra ngoài khuôn khổ đó để tôn vinh người Mẹ- xây dựng nên tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo. Các nước trên thế giới từ Đông sang Tây cũng có những nữ thần được thờ cúng, song để xây dựng thành hệ tín ngưỡng riêng biệt như thờ Mẫu Tam Phủ - Tứ phủ với những lễ hội và cả một hệ thống đền, điện, phủ trên khắp cả nước trong đó khá quan trọng là nghi lễ diễn xướng hầu đồng thì Việt Nam cũng là nước rất đặc biệt.
Chính trong diễn xướng hầu đồng đã chứa đựng rất nhiều đặc trưng riêng biệt của văn hóa dân tộc: Ca – Múa – Nhạc – Phục trang- Nghệ thuật diễn kể dân gian... Rất nhiều sự tích, thần tích về các vị thần linh ( theo Nhạc sĩ, NGUT Hoàng Kiều thì ông đã ghi lại lời hát văn của 72 giá đồng -72 vị Thánh) đã được diễn kể trong quá trình thể hiện nghi lễ tâm linh giàu màu sắc huyền ảo, lung linh mà rộn rã, sang trọng này.
Nhiều sự tích, thần tích về các vị thần linh thể hiện nghi lễ tâm linh giàu màu sắc huyền ảo mà rộn ràng |
Đưa Nghi lễ hầu đồng đến với thế giới
Có lẽ, lần đầu tiên nghi lễ hầu đồng được biểu diễn ở ngoài biên giới Việt Nam là năm 1993, tại Liên hoan sân khấu khối các nước nói tiếng Pháp ở Lion (Cộng hòa Pháp), tiết mục 3 giá chầu đồng đã gây ra sự sửng sốt đối với bạn bè quốc tế. Để có được sự ra mắt đầy ấn tượng đó, phải nhắc tới công lao lớn của Nhà hát chèo Việt Nam đã chắt lọc để lấy ba giá chính là giá Cô Bơ, giá ông Hoàng Mười, giá Cô Đôi Thượng Ngàn đưa lên sàn diễn chuyên nghiệp. Sở dĩ những giá chầu này được chọn là do đại diện được cho những vùng miền mà các vị thánh cai quản, lại đem tới những nghệ thuật biểu diễn khác biệt. Cô Bơ là chủ vùng sông nước, có những động tác chèo thuyền, múa quạt rất đẹp. Ông Hoàng Mười lẫm liệt uy nghi thường múa gươm. Cô Đôi Thượng Ngàn những động tác gặt hái, đi nương của người miền núi...
Cô Đôi Thượng ngàn, Cô Bơ, Ông Hoàng Mười là những giá hầu được biểu diễn nhiều tại nước ngoài |
Khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch), GS. TS. NSND Đình Quang đánh giá rằng, ngoài ấn tượng đầy kinh ngạc về diễn xướng đặc biệt này đối với đông đảo công chúng, sự sửng sốt này còn mạnh mẽ hơn ở giới nghiên cứu sân khấu thế giới. Đó là do hầu đồng giúp họ nhận thấy, hơn ở bất kỳ hình thức nào, chính hình thức biểu diễn độc đáo này của Việt Nam là minh chứng cho nguồn gốc sân khấu bắt nguồn từ diễn xướng dân gian. Bởi ở Hầu đồng, có tất cả: từ âm nhạc, tích truyện về nhân vật, diễn tả nhân vật sao cho càng giống càng tốt, múa, phục trang, thậm chí cả yếu tố khán giả (không có lễ hầu đồng nào không có các con nhang đệ tử và một số công chúng). Sau thành công đó, những giá chầu đồng được các đơn vị nghệ thuật chèo đưa vào biểu diễn thường xuyên trong các chương trình giới thiệu vốn cổ.
Nghi lễ hầu đồng nằm trong Di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được tôn vinh |
Tuy nhiên, cố gắng để đưa hầu đồng tới với bạn bè khắp năm châu phải kể đến giai đoạn sau khi nghi lễ nằm trong Di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được tôn vinh. Đã có nhiều chương trình giới thiệu hầu đồng cho du khách, mà thành công nhất là Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú vẫn liên tục được biểu diễn thường xuyên ở rạp Công nhân. Du khách nước ngoài tới xem với sự phản hồi và tán thưởng khi sống trong không khí linh thiêng của nghi lễ diễn xướng...
Thanh đồng Thúy Hằng nhập giá |
Nhưng đáng kể nhất chính là những sự kiện nghệ thuật được tổ chức tại nước ngoài nhờ vào sự cố gắng tận hiến cả sức lực sáng tạo lẫn hi sinh về quyền lợi vật chất. NSND Lệ Ngọc đã lựa chọn sự cống hiến tinh thần, sức lực, kinh phí để đưa tín ngưỡng hầu đồng đến với bạn bè thế giới qua tác phẩm Ngũ biến. Lựa chọn trong hàng chục giá chầu đồng, đạo diễn đã quyết định lấy 5 giá: Chầu Đệ Nhị Mẫu, Ông Hoàng Mười, Cô Bé, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, Cô Bơ để gạn lọc, cắt ngắn thời gian sao cho có thể diễn tả đầy đủ nhất mà cũng ấn tượng nhất. Người thể hiện cùng đạo diễn đều đồng lòng xác định: cần nhấn vào diễn xuất sắc thái, động tác nhân vật, vai nào ra vai ấy.
Thần thái cần thổi vào và kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp để tương tác với các hầu dâng |
Ngay trước mắt công chúng, NSND Lệ Ngọc với sự giúp sức rất ăn ý của phụ diễn, đã biến hóa thành năm nhân vật thần thánh hoàn toàn khác nhau một cách thật nhịp nhàng, tinh tế: từ ông Hoàng oai phong tới bà Chúa cai quản vùng non cao, hay chầu cô Bé nhí nhảnh, tinh nghịch, trong sáng, vui tươi... Mỗi giá chầu là hàng loạt chi tiết cần nhớ, thần thái cần thổi vào và một kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp để tương tác với các hầu dâng và khán giả đem lại vẻ lịch lãm, sang trọng cho chương trình.
Ngũ biến thành công tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu Trung Quốc – ASEAN năm 2016, được tôn vinh là Tiết mục xuất sắc, NSND Lệ Ngọc đạt giải Nghệ sĩ xuất sắc. Hành trình của năm 2017, Ngũ biến đến với công chúng Monaco tại Liên hoan nghệ thuật Quốc tế Monaco (do Hiệp hội biểu diễn không chuyên Thế giới tổ chức) được giới hâm mộ rất yêu thích và đánh giá rất cao về trình thức biểu diễn độc đáo. Sang năm 2018 tại Liên hoan mang chủ đề “Nghệ thuật cất tiếng nói vì Hoà bình” do UNESCO và Trung tâm Sân khấu Thế giới (ITI) Philipines tổ chức, tiết mục Ngũ biến cũng được người dân nước bạn và đồng nghiệp thế giới ca ngợi. Tạp chí Nghệ thuật Philipines đã đăng bài và ảnh về tiết mục này với những lời khen ngợi về sự toàn mỹ của nghệ thuật trình diễn. NSND Lệ Ngọc vinh dự được thay mặt nghệ sỹ các nước nói lên cảm tưởng về Liên hoan và những ước nguyện cho Hoà bình.
Công ty Việt Ba dưới sự bảo trợ của ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc vừa tổ chức Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Seoul |
Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, tại Seoul (thủ đô của Hàn quốc), Công ty Cổ phần dịch vụ truyền thông Việt Ba phối hợp với Hội NSSKVN và Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã tổ chức thành công sự kiện Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.
Để tổ chức tốt cho sự kiện diễn ra tại Hàn Quốc, Công ty CPDVTT Việt Ba đã gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn đó, chương trình đã được tổ chức khá tốt với sự kết hợp giữa 9 thanh đồng thực thụ tham gia kết hợp màn biểu diễn độc đáo của NSND Lệ Ngọc. Một lần nữa, hầu đồng lại được “khoe” với bạn bè quốc tế. Sự chân chất, màn trình diễn vẫn rất đậm tính tâm linh của các chân đồng bên vẻ sang trọng, chặt chẽ khi đã qua bàn tay dàn dựng nâng cao của đạo diễn đã làm nên vẻ phong phú, đa dạng cho Liên hoan.
Ông Lý Thừa Vĩnh, hậu duệ đời thứ 28 của vua Lý Thái Tổ đã rất cảm động khi được thưởng thức tín ngưỡng đặc sắc của quê hương tiên tổ trên mảnh đất nhiều đời nay gia tộc ông sinh sống. Ông cho rằng, việc tổ chức sự kiện này là hết sức cần thiết, để người Hàn quốc cũng như người Việt sinh ra đã xa quê tổ, hiểu về nghi lễ này không chỉ qua những mô tả, những bài viết, những đoạn video mà trực tiếp tham dự quả thực đem lại rất nhiều cảm xúc.
Nếu quảng bá tốt loại hình diễn xướng này sẽ tạo sự lan tỏa rộng rã cho văn hóa Việt |
Bà Hoàng Thị Thủy, đại diện công ty Việt Ba mong muốn quảng bá văn hóa Việt Nam tới Hàn quốc nên đã vượt qua nhiều khó khăn khi thuyết phục các thanh đồng, làm thủ tục hành chính, thuyết phục nhà tài trợ (do nhiều người vẫn còn e dè khi đứng tên tài trợ cho một chương trình văn hóa mới được thừa nhận như hầu đồng) để tổ chức sự kiện.
Những nghệ sĩ như NSND Lê Tiến Thọ, TS Chua Sam Poon... đều nhận định, đây thực sự là việc làm rất cần thiết, rất có ý nghĩa. Đối với các thanh đồng, đây cũng là sự khích lệ đối với họ. Nếu quảng bá tốt sẽ tạo ra sự lan tỏa rộng rãi cho văn hóa Việt, như cầu nối văn hóa đến với bạn bè thế giới. Các tình nguyện viên trẻ tuổi cũng rất hào hứng chăm chú theo dõi, nhiều bạn trẻ lần đầu tiên được tham dự đều rất xúc động khi khám phá một hình thức biểu diễn độc đáo, mới mẻ, lạ lẫm.
Các nghệ sĩ trẻ rất hào hứng khi tham gia hình thức biểu diễn độc đáo mới mẻ này
..cùng tâm huyết của các nghệ sĩ và nhà tài trợ |
|
Như tâm nguyện của các đơn vị tổ chức, đặc biệt là của Cty CPDVTT Việt Ba cùng các thanh đồng, các nghệ sĩ của CLB sân khấu Lệ Ngọc, mong muốn sẽ tiếp tục đưa hầu đồng tới với nhiều nước khác trên thế giới. Để có thể thực hiện được ước vọng đó, cũng như có được chiến lược bài bản, lâu dài cần có sự tham góp của những cơ quan quản lý văn hóa, của các Mạnh Thường Quân... Hi vọng không chỉ hầu đồng, nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam sẽ ngày càng được giới thiệu đến với đông đảo bạn bè thế giới...