Giảm nghèo bền vững góp phần từng bước đảm bảo an sinh xã hội

(VOV5) - Chương trình giảm nghèo, mục tiêu thứ 5 trong 6 mục tiêu của Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020

Thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chương trình giảm nghèo, mục tiêu thứ 5 trong 6 mục tiêu của Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020. Phóng viên Đài TNVN ghi lại những ý kiến của các đại biểu từ diễn đàn quốc hội về vấn đề này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Khẳng định chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, đoàn Bắc Ninh chia sẻ:  “Chính sinh, xã hội là vấn đề luôn được đảng và nhà nước quan tâm. Các nghị quyết của quốc hội, bên cạnh các nghị quyết về kinh tế, đều có nghững nghị quyết về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Từ định hướng đó, ba năm qua, tuy kinh tế khó khăn, nhưng đầu tư cho an sinh xã hội vẫn được chú trọng hơn. Đời sống của người dân cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được mở rộng. Một số chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện, chính sách đối với phụ nữ, vấn đề việc làm ở nông thôn được quan tâm”

 Giảm nghèo bền vững góp phần từng bước đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 1
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện Hải Hà. Báo Quảng Ninh

Cùng với chính sách an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Tổ chức nông lương của Liên hợp quốc (FAO) đã cấp bằng chứng nhận hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, giảm một nửa số người nghèo vào 2015 cho nước ta và 37 quốc gia.  Cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% vào năm 2012.  Tuy vậy, tốc độ giảm nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số lại đang chậm lại đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình này, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giữa các vùng, miền…

Đại biểu Lò Văn Muôn, đoàn Điện Biên nêu ý kiến: “Cần rà soát, nguyên nhân tổng thể của các chính sách xóa đói giảm nghèo đã ban hành, còn hiệu lực, xem những chính sách đó đã đủ giải tỏa khắc phục được những yếu tố để mà giảm nghèo, đặc biệt trong nhóm dân cư dân tộc thiểu số. Tính toán kinh phí chi phí cấp thiết cho kế hoạch giảm nghèo cho từng năm và trung hạn. Cấp tổng thể chứ không cấp riêng từng chính sách, trên cơ sở đó, địa phương có quyền quyết định lựa chọn sẽ thực hiện nhóm chính sách hoặc các nhóm đối tượng nào để tăng quyền chủ động cho địa phương. Đối với các huyện nghèo, cũng thực hiện cơ chế, thể hiện tính đột phá, đảm bảo giảm nghèo bền vững”

Những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân  chính là nhờ những nỗ lực từ chương trình xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, chương trình đã bộc lộ những hạn chế do cách làm của nhiều địa phương trong việc phân loại đánh giá hộ nghèo và cách thức hỗ trợ.  Vì vậy, theo các đại biểu, cần có sự thay đổi trong cách làm. Đại biểu Lê Văn Lai, đoàn Quảng Nam chia sẻ: “Cần rà soát, từ đó, có chính sách giảm nghèo phù hợp. Phân loại đối tượng nghèo. Ví dụ như đối tượng neo đơn, người già mất sức, tính đến mô hình các nhà dưỡng lão. Mỗi địa phương, mỗi tỉnh, phải có ít nhất một nhà dưỡng lão. Hỗ trợ gián tiếp cho người nghèo bằng cơ sở hạ tầng, xã hội, cơ sở hạ tầng kinh tế, nhằm tới các đối tượng cận nghèo, không để tình trạng tái nghèo”

Chủ trương đã được đưa ra, nhưng để thực hiện được chiến lược an sinh xã hội, trong đó giảm nghèo bền vững là một mục tiêu, đòi hỏi  sự nỗ lực của từng ngành, từng địa phương. Những kiến nghị của các đại biểu từ diễn đàn quốc hội nên được nghiêm túc xem xét bởi đó chính là tiếng nói và nguyện vọng của cư tri cả nước.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác