(VOV5) - Ở Tây Nguyên vào những ngày đầu năm mới, khi tiếng cồng chiêng ngân vang cũng là lúc các buôn làng mở lễ hội mừng xuân. Để có được tiếng cồng chiêng rộn rã trong lễ hội xuân , nhiều nghệ nhân ở Tây Nguyên đã bỏ công sức mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tình yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
|
Văn hóa cồng chiêng là niềm tự hào nghìn đời của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Phải một tháng sau tết mới tới “Ngày hội văn hóa – thể thao” do xã tổ chức, nhưng các thành viên trong đội chiêng trẻ ở buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc vẫn tranh thủ thời gian các buổi tối trong tuần để tập luyện. Cứ đến hẹn, các em lại có mặt ở nhà cộng đồng buôn tập lại những bài chiêng mới được học. Các em tập luyện hăng say và rất tự giác, tiếng chiêng lúc vang lên rộn ràng, lúc lại réo rắt. Em Y Sun Ê’Ban, một thành viên trong đội chiêng, cho biết: “Bảy người chúng em học mới được 2 tháng thôi, nhưng mọi người học nhanh lắm. Cứ một người đánh là cả đám hòa vào đánh theo thôi. Ai mời đi biểu diễn là chúng em đi, chúng em đi được 3 lần rồi, trong đó có 1 lần ở huyện và 2 lần ở xã Drai Bhăng”.
Được huyện đầu tư kinh phí mở lớp học tập, các nghệ nhân và các em thiếu nhi trong buôn Pu Huê rất mừng. Nhiều em xin bố mẹ cho học đánh chiêng, tham gia luyện tập đều đặn. Em Y Bi Knul, 13 tuổi, đang học lớp 6. Nhà em ở cách nhà cộng đồng buôn gần 5 cây số, nhưng cứ buổi tối là em chạy xe đạp ra nhà cộng đồng để tập luyện cùng các bạn trong đội. Em Y Bi Knul, tâm sự: “Em muốn được đi học và được bố mẹ ủng hộ nữa. Học đánh chiêng thích lắm, nghe tiếng chiêng rất hay. Ông Aê Nheo dạy chúng em đánh, ông dạy cũng hay lắm. Lúc học thì có hơi khó một chút, nhất là bài “Mừng lúa mới” tập hơi khó”.
Nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng cho đội trẻ buôn Pu Huê là ông Y Nguin Knul (thường gọi là Aê Nheo). Gần 70 tuổi, Aê Nheo vẫn thuộc lòng các điệu chiêng học được từ tấm bé. Ông kể hồi bằng tuổi các “học trò” của ông bây giờ, ông thường được theo ông và bố đến dự các lễ cúng, đám, hội trong buôn. Ông rất thích nghe các bác, các chú đánh chiêng, rồi khi họ nghỉ, ông cầm chiêng lên đánh thử. Sau nhiều lần đánh thử, dần dần ông biết cách đánh. Ông bảo thời đấy lũ con nít tự học, chứ không được ai chỉ dạy cho như các “học trò” của ông bây giờ.
Đến nay ông Aê Nheo đã truyền dạy cho 2 đội chiêng trẻ các bài chiêng quen thuộc. Lớp trước ông dạy cho các em độ tuổi 15 – 16, đến lớp này thì dạy cho các em thiếu nhi tuổi nhỏ hơn. Ông Aê Nheo tâm sự: Ông rất mừng khi thấy lớp trẻ bây giờ rất thích học và tiếp thu cách đánh chiêng khá nhanh: “Mấy đứa nhỏ thích học lắm, đến tận nhà gọi mình lên dạy cho nữa, chúng nó thích và cũng rất cố gắng học. Mình cũng cố gắng truyền dạy thôi, chứ bây giờ mình già rồi, đi lại cũng không còn nhanh nhẹn nữa, nhiều khi có việc cần người ta gọi đi thì mấy đứa nhỏ biết sẵn rồi đi luôn, nên giờ cứ dạy cho chúng nó biết, để mình không làm mất đi truyền thống của ông bà để lại”.
Với ông Aê Nheo, việc dạy cho thế hệ trẻ đánh chiêng, ngoài mục đích bảo tồn còn là để hướng các em về cội nguồn bởi tiếng chiêng, tiếng cồng là linh hồn của dân tộc. Tập cho các em đánh chiêng cũng chính là tập cho các em cảm nhận được những giá trị nhân văn mà ông bà đã để lại với những vui, buồn, hạnh phúc của cuộc sống. Sắp tới đây, các em có cơ hội được biểu diễn các bài chiêng trong ngày hội của buôn làng và chính các em là những người góp phần lưu giữ bản sắc văn hoá Tây Nguyên, làm cho tiếng chiêng mãi ngân vang xa hơn./.