Hà Giang thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục cho gia đình thương binh liệt sỹ

(VOV5) - Vào tháng 7 hàng năm, khắp cả nước diễn ra  nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh bình, người có công với đất nước. Cùng với hoạt động tôn vinh những người con, những anh hùng của đất  nước, Nhà nước Việt Nam còn có những chính sách, trong đó có chính sách ưu đãi  hỗ trợ giáo dục, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho đời sống của các gia đình thương bệnh binh, để đền đáp phần nào sự hy sinh của họ, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh. 


Hà Giang thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục cho gia đình thương binh liệt sỹ - ảnh 1
Trẻ em ở trường mẫu giáo


Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Gia đình bà Nguyễn Thị Cầm ở thôn Tân Tiến, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, là gia đình có công với đất nước. Chồng bà tham gia quân đội bị thương mất đi 26% sức khỏe nên khi trở về gia đình ông không thể tham gia vào lao động sản xuất. Mình bà Cầm gánh vác việc nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống rất khó khăn. Thật may, trong lúc khó khăn nhất thì gia đình bà Cầm nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách ưu đãi giáo dục của Nhà nước đối với gia đình người có công. Từ năm học 2006-2007, các con bà Cầm bắt đầu nhận được hỗ trợ hàng năm học và miễn học phí. Nhờ đó mà cả 3 con của bà đều có điều kiện học hết lớp 12. Riêng con út của bà đã thực  hiện được ước nguyện của cha trước lúc qua đời là thi đỗ vào trường Cao đẳng nghề. Bà Cầm chia sẻ: "Nhờ Nhà nước quan tâm đến gia đình nên việc trang trải học hành của các cháu đã đỡ hơn nhiều. Bây giờ con cả nhà tôi thì đi Quảng Ninh làm về thợ lò, con thứ 2 thì lái xe, con thứ 3 thì đi làm công ty về công nghệ".

Là con út trong gia đình, ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên ngay từ khi còn học phổ thông, anh Nguyễn Văn Dung đã nuôi khát vọng thoát nghèo bằng con đường học tập. Năm 2009, Dung đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội. Tốt nghiệp trình độ Cao đẳng nghề cơ khí, Dung được nhân vào làm nhân viên kỹ thuật cho công ty An Thông, tại Khu công nghiệp Bình Vàng, Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/ tháng giúp anh có được cuộc sống ổn định. Anh Dung là một trong hàng nghìn thanh niên gia đình chính sách nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn hỗ trợ giáo dục cho các gia đình chính sách. Khoản trợ cấp này đã giúp anh thêm yên tâm trên bước đường lập nghiệp.



Hà Giang thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục cho gia đình thương binh liệt sỹ - ảnh 2
Trẻ em vùng cao

Tại Phòng Lao động thương Binh xã hội thành phố Hà Giang, việc chi trả trợ cấp giáo dục được thực hiện đồng thời với chi trả trợ cấp dành cho người có công. Ông Nguyễn Văn Quế, thương binh, ở phường Minh Khai, đến lĩnh trợ cấp hàng tháng và đến lĩnh tiền hỗ trợ giáo dục cho con gái đang học tại Đại học Y tỉnh Thái Bình. Đối với một gia đình thương binh như ông Quế, việc nuôi con ăn học Đại học xa nhà quả là khó khăn. 5 năm qua, số tiền trợ cấp hơn 60 triệu đồng đã giúp gia đình ông Quê có đủ điều kiện nuôi con ăn học: "Mỗi tháng tôi lĩnh được 1,3 triệu và đây là số tiền rất quan trọng vì nếu không có số tiền này thì chúng tôi sẽ phải đi vay mượn để nuôi cháu ăn học, sau này cháu ra trường thì đi làm để trả. Vậy nên khi được hỗ trợ như thế này tôi thấy chính sách của nhà nước đối với gia đình thương binh như chúng tôi. Tôi rất biết ơn".


Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 110 sinh viên là con gia đình người có công với cách mạng đang học tập tại các trường Đại học cao đẳng được hưởng trợ cấp ưu đãi giáo dục. Riêng năm 2013- 2014, tỉnh Hà Giang có 111 sinh viên nhận hỗ trợ ưu đãi giáo dục hoàn thành chương trình đào tạo tốt nghiệp ra trường, trong số đó nhiều sinh viên đã trở thành bác sỹ, kỹ sư, trở về phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Song song với việc thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục đối với gia đình người có công với cách mạng theo tinh thần của Thông tư Liên tịch của Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, tỉnh Hà Giang cũng thực hiện đề án về giải quyết việc làm và chính sách ưu tiên cho con thương binh, liệt sỹ, người có công thi tuyển công chức viên chức trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, cho biết: "Nhờ có chính sách này thì nhiều đối tượng thân nhân của người có công có điều kiện tham gia học tập và có trình độ tay nghề chuyên môn để có thể tham gia phát triển kinh tế xã hội. Quá trình bố trí việc làm vào dự án như Tri thức trẻ làm việc tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Tỉnh đã đưa ra những ưu tiên cộng điểm cho các đối tượng học sinh, sinh viên nằm trong nhóm chính sách ưu đãi giáo dục được tuyển dụng và đưa đi vào cơ quan Nhà nước".

Hiện cả nước có khoảng 200.000 đối tượng thuộc gia đình người có công với cách mạng, được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục. Chính sách này đã tạo điều kiện cho con em người có công được tiếp cận tri thức, học nghệ tại các trường Đại học, cao đẳng. Từ đó họ có đủ kiến thức, kỹ năng để lập nghiệp, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Phản hồi

Các tin/bài khác