Hải Phòng: Đưa văn hóa đến gần với người dân

(VOV5) - Những câu lạc bộ văn nghệ hoạt động thường xuyên, một thế hệ trẻ có thể thực hành hát ca trù, hát xẩm, hát đúm... là những minh chứng rõ nét cho nỗ lực bảo tồn văn hóa ở Hải Phòng. 

Buổi biểu diễn do Trung tâm Văn hóa TP Hải Phòng tổ chức tại khu vực Vườn hoa Nhà kèn thu hút đông người dân và du khách. Tiếng vỗ tay không dứt dành cho các ca nương nhí, các nghệ nhân sau mỗi tiết mục ca trù hay mỗi bài hát văn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.

Hải Phòng: Đưa văn hóa đến gần với người dân - ảnh 1Các ca nương trẻ - người kế thừa và gìn giữ di sản ca trù tại Hải Phòng.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Anh Lý Đức Báu ở Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) và chị Phạm Diệu Linh, quê ở huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng lần đầu tiên được thưởng thức một chương trình nghệ thuật mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc đã thực sự bị thuyết phục và "mê" những làn điệu cổ này: "Tôi thấy văn hóa Việt Nam mình rất phong phú và hiểu thêm về đặc điểm của từng loại di sản văn hóa. Là một người trẻ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc bảo tồn và lan truyền di sản văn hóa đến bạn bè năm châu". 

Những chương trình biểu diễn di sản văn hóa như thế này không hiếm gặp tại Hải Phòng. Vào những dịp lễ, tết hay các ngày kỷ niệm của đất nước và thành phố, người dân TP Cảng có nhiều cơ hội được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc ngay tại dải trung tâm thành phố hay vườn hoa nhà kèn. Những môn nghệ thuật tưởng chừng kén người nghe, khó tiếp cận hay những làn điệu dân ca đang bị mai một, như: ca trù, hát xẩm, cải lương... nay cứ thế ngấm dần và đi vào đời sống của người dân một cách tự nhiên.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, người từng được mệnh danh là “đào nương có giọng hát ca trù hay nhất Việt Nam”, hiện là Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng rất tự hào mỗi lần được đứng trên sân khấu biểu diễn hay truyền dạy ca trù cho các thành viên trong CLB: "CLB hội tụ tương đối đông đủ các loại hình nghệ thuật dân gian mà ở Hải Phòng, các nghệ nhân đang nắm giữ và hoạt động tích cực. Trong CLB không chỉ riêng loại hình nghệ thuật ca trù mà còn có hát chầu văn, hát chèo cổ, hát dân ca và hát xẩm, hát đúm. Với tôi, đến với nghệ thuật ca trù là một nhân duyên nhưng nhân duyên để tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tôi có các thế hệ lớp trẻ, các bạn là những người trẻ tuổi nhưng rất yêu thích nghệ thuật ca trù" - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.

Hải Phòng: Đưa văn hóa đến gần với người dân - ảnh 2CLB hát Xẩm - 1 trong 25 Câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng, thường xuyên có các chương trình biểu diễn phục vụ người dân.

Thông qua hoạt động biểu diễn, nhiều tài năng nhí trong các bộ môn nghệ thuật đã được phát hiện. Các em được truyền dạy, ươm mầm và phát huy tài năng nghệ thuật của mình. CLB Nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng hiện có hơn 20 bạn nhỏ đang theo học ca trù, trong đó, thành viên nhỏ tuổi nhất đang học lớp 4. Các em đều trong độ tuổi đến trường, thời gian luyện tập không nhiều nhưng tranh thủ những ngày cuối tuần đều tập trung tại Câu lạc bộ để học gõ phách, luyện cách nhả âm, luyến chữ và kiên trì chinh phục từng thể cách của ca trù.

 Ca nương trẻ Trần Thị Kim Huệ, mới 14 tuổi nhưng đã có 7 năm bén duyên với nghệ thuật ca trù. Không chỉ cùng các thành viên trong CLB đã tham gia nhiều hội diễn, nhiều liên hoan ca trù trong và ngoài thành phố, em còn tự tin múa, hát các làn điệu ca trù trong các giờ sinh hoạt lớp và dạy lại cho các bạn: "Em học được 3 thể cách cơ bản là hát nói, hát mưỡu, hát gửi thư và hát bắc phản. Em yêu thích và tự tin nhất là thể loại bắc phản. Ở nhà, em dành thời gian để luyện tập khẩu hình, luyện tập phách làm sao để khi mình trình diễn thì bài được hay nhất, suôn sẻ nhất. Em mong muốn môn nghệ thuật này sẽ được lan tỏa và được các bạn trẻ biết đến nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam cần biết và bảo tồn nét di sản văn hóa của dân tộc mình".
Hải Phòng: Đưa văn hóa đến gần với người dân - ảnh 3Ca nương nhí Minh Anh - một trong những thành viên trẻ của CLB nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng, không chỉ ca trù, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được bảo tồn, thực hành và truyền dạy trong cộng đồng. 25 câu lạc bộ văn hóa trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố như: CLB hát xẩm, CLB hát văn; CLB Nhạc lễ, múa Sanh tiền Trang An Biên và giao lưu ca múa nhạc dân tộc... thu hút sự tham gia của đông đảo người dân thành phố, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

Cùng với đó, Hải Phòng hiện có hơn 1.100 di tích, trong đó có hơn 500 di tích đã được các cấp xếp hạng. Theo ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa luôn được quan tâm, tạo điểm nhấn và đạt kết quả tích cực.

"Sở Văn hóa - Thể thao thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho một số CLB để góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị này. Việc thứ hai, thực hiện việc tôn vinh, đề nghị công nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian. Việc thứ ba, đề nghị Thành phố khen thưởng, tặng bằng khen biểu dương ghi nhận trong các chương trình, hội diễn và tổ chức nhiều hoạt động tại Đình Kênh, tại Phủ từ Đông Môn, Vườn hoa nhà kèn... để tuyên truyền cho công chúng hiểu hơn về giá trị di sản phi vật thể để có trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn tốt hơn trong thời gian tới" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng thông tin.

Những nỗ lực trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cùng nhiều chương trình, dự án mà ngành Văn hóa TP Hải Phòng đang thực hiện như: “Sáng đèn Nhà hát thành phố”, “ Sân khấu truyền hình”... đã mang văn hóa đến gần hơn với người dân, để những giá trị văn hóa được lan tỏa trong đời sống,  gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác