(VOV5) - "Việc đọc sách cũng phát huy được hiệu quả lớn, có thêm sự thú vị nếu như liên kết nó với trải nghiệm của người khác và trải nghiệm tập thể".
“Đọc sách là trải nghiệm cá nhân. Đối với mỗi cuốn sách từng cá nhân sẽ có cảm nhận và đánh giá khác nhau. Việc đọc nói chung và phần lớn là diễn ra trong im lặng một mình. Tuy nhiên, việc đọc sách cũng phát huy được hiệu quả lớn, có thêm sự thú vị nếu như liên kết nó với trải nghiệm của người khác và trải nghiệm tập thể”, đây là chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương trong cuốn sách Xây dựng tủ sách gia đình, ở mục “Mở rộng trang sách và mở rộng cánh cửa nhà mình”.
Trong cuốn sách, tác giả Nguyễn Quốc Vương nhắc tới, và phỏng vấn một vài nhân vật “mở rộng cánh cửa nhà mình” để mời độc giả tới đọc. Qua quan sát các thư viện có quy mô gia đình, anh nhận thấy: “Các thư viện gia đình này khởi đầu là kết quả của đam mê cá nhân. Chủ gia đình thích sách, yêu sách và có tích lũy sách vở theo năm tháng. Sau đó nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa lớn lao của khuyến đọc họ đã mở rộng cửa cho bạn đọc ngoài gia đình vào đọc và mượn. Do xây dựng và vận hành dựa trên tình yêu sách vở, tinh thần trách nhiệm công dân và sự giác ngộ về ý nghĩa của khuyến đọc tiến tới xây dựng xã hội dân chủ, văn minh cho nên chúng hoạt động rất tốt cho dù cơ sở vật chất không có gì là đáng kể. "
Không gian đọc Vươn xa tại Nam Định |
Tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: "Có lần trong một buổi trò chuyện thân mật bên bàn ăn giữa những người tham gia hoạt động khuyến đọc, tôi đã chứng kiến anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng phong trào “Sách hóa nông thôn” hỏi một thầy giáo đang làm cán bộ quản lý giáo dục “Thầy có công nhận là từ khi làm thư viện cho mọi người mượn sách đọc thầy thấy cuộc đời mình và công việc có ý nghĩa hẳn lên không?”. Thầy giáo được hỏi cười đáp “Công nhận”. Động lực lớn lao đối với con người chúng ta đến từ việc nhận thức về ý nghĩa. Câu chuyện trên là một ví dụ sinh động minh họa cho điều đó”.
Trong cuốn sách, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ câu chuyện của anh Đỗ Hà Cừ (Thái Bình), người sáng lập Không gian Hy Vọng, sinh ra là một người khuyết tật bị liệt bẩm sinh toàn thân, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Song, những khó khăn về mặt thể chất không thể ngăn cản tinh thần ham học, ham đọc của anh. Đến nay, anh đã tích lũy được 4000 cuốn sách tại Không gian đọc Hy Vọng và 3000 cuốn sách để luân chuyển cho 16 Không gian đọc trên cả nước. Quản lý Không gian đọc Hi vọng tại Thái Bình, anh cũng là cầu nối tiếp nhận, phân phối, huy động nguồn lực xã hội triển khai mô hình Không gian đọc do người khuyết tật quản lý ở Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác như Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Hà Tĩnh...
Cùng với anh Cừ, có rất nhiều cái tên nổi bật trong công tác khuyến đọc có thể kể đến như chị Tô Lan Phương với không gian đọc Lan Phương tại Thái Bình, thầy Bùi Văn Đông với mô hình tủ sách gia đình Văn Bùi, anh Phạm Thế Cường với thư viện tư nhân mang tên mình,... Điểm chung của họ chính là những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình lan tỏa văn hóa đọc đến với sâu rộng tất cả mọi người.
“Trong khi cả xã hội đang lo lắng văn hóa đọc ngày càng mai một, thì việc thúc đẩy phong trào đọc sách trong các trường học là việc làm hết sức ý nghĩa. Thông qua đọc sách sẽ giúp các cháu có tầm nhìn xa hơn, có ước mơ và hoài bão, từ đó tăng thêm động lực học tập cho các cháu”, anh Hoàng Trọng Thủy, Trưởng văn phòng đại diện quỹ Zhi-Shan tại Thừa Thiên – Huế chia sẻ về lý do thành lập “Làm bạn với sách”.
Cuối năm 2008, dự án chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Tại các trường học mà tổ chức này hỗ trợ, văn hóa đọc trở nên sôi động và thường nhật hơn. Mỗi tuần, học sinh có 1 tiết đọc sách tại thư viện và hằng ngày đọc 15 phút đầu giờ tại lớp học.
Không gian đọc Hy Vọng ở Hòa Bình |
“Từ ngày có thư viện mới cùng dự án “Làm bạn với sách”, cô trò trường chúng tôi hào hứng hẳn lên. Phụ huynh khoe với giáo viên việc con em về nhà mê đọc sách thay vì xem tivi, điện thoại. Học sinh trước kia rụt rè, ngại nói trước đám đông, giờ đây giao tiếp mạch lạc, tự tin hơn hẳn. Cảm hứng đọc sách đã thực sự thay đổi ý thức học tập của các em học sinh nơi đây”, cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) chia sẻ.
Sau 4 giai đoạn hoạt động, đến nay, “Làm bạn với sách” đã trải qua 14 năm hoạt động, đi đến 6 tỉnh thành: Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Ngãi; hỗ trợ cho 466 trường, với hơn 195.400 học sinh được hưởng lợi.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của tổ chức Zhi-Shan Foundation trong hoạt động thư viện. Chúng tôi khẳng định Zhi-Shan và “Làm bạn cùng sách” có vai trò rất lớn trong việc định hướng, khích lệ cho hoạt động thư viện cũng như xây dựng thói quen đọc sách của học sinh Thạch Hà và sự phát triển văn hóa đọc ở cộng đồng”.
Trong những nỗ lực chung để phát triển văn hóa đọc, ngày 25/6 vừa qua, cộng đồng tâm huyết với việc phát triển văn hóa đọc trong cả nước đã có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ tại “Ngày hội khuyến đọc”, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Ban Quản lý Phố sách Hà Nội tổ chức.
Bà Khúc Thị Hoa Phương, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết: NXB đã, đang và tiếp sức cho với các cá nhân, tổ chức, cơ quan… phát triển văn hóa đọc, bằng nhiều hình thức, Trong đó, Nhà xuất bản Phụ nữ đã xuất bản tủ sách hướng dẫn đọc sách, xây dựng tủ sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; đưa diễn giả là các tác giả, dịch giả cộng tác với nhà xuất bản đến những nơi cần tiếp thêm động lực để phát triển văn hóa đọc; tặng sách tới những nơi cần sách nhưng chưa có điều kiện để mua
Ngày hội khuyến đọc cũng là một hình thức hoạt động mà NXB Phụ nữ Việt Nam thực hiện để tạo điều kiện cho những người cùng khát vọng phát triển văn hóa đọc có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các mô hình phát triển văn hoá đọc, các mô hình khuyến đọc-khuyến học hiệu quả ở mọi vùng, miền trên cả nước; chia sẻ và hướng dẫn các phương pháp đọc sách và phương pháp xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách lớp học, thư viện trường học, thư viên cộng đồng,… hoạt động hiệu quả; liên kết mạng lưới các cá nhân, tổ chức làm công tác Khuyến đọc hiệu quả, nhân rộng các cách làm hay, góp phần phát triển văn hóa đọc Việt Nam thực sự có chiều sâu, bền vững.
“Tôi tin Vương sẽ vẫn luôn vững tin những gì Vương và nhiều bạn bè anh, những người thầm lặng làm KHUYẾN ĐỌC đã không mệt mỏi gieo những hạ mầm sách, hạt mầm chữ, để rồi chan chứa niềm tin “Những gì tay người gieo xuống/Đất sẽ thực hành phép nhân” (Phép nhân, in trong tập thơ Điều bí mật trong vườn). Cũng như Vương, tôi tin “đất sẽ thực hành phép nhân”, để nhân lên không chỉ những hạt mầm, những điều kì diệu của thiên nhiên, tạo hóa mà còn nhân lên những điều tử tế anh và bạn bè anh gieo hôm nay, nghiệp gieo sách và gieo chữ…”
(Giám đốc – Tổng biên tập NXB Phụ nữ VN Khúc Thị Hoa Phượng - viết trong cuốn Xây dựng tủ sách gia đình)