(VOV5)- Sáng nay (28/06), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các đoàn viên, thanh niên và du khách tham gia ký tên trên bản đồ Việt Nam.
|
Tấm bản đồ lớn nhất Việt Nam trưng bày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VN |
Đây là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện “Đại gia đình Việt Nam hướng tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức.
Tấm bản đồ Việt Nam có diện tích trên 680 mét vuông, đặt tại khu vực trục Trung tâm của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là tấm bản đồ đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam, với mong muốn gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bà Nguyễn Thị Sinh, dân tộc La Ha, tỉnh Sơn La, chia sẻ: "Hôm nay, tôi cùng với 4 dân tộc khác của tỉnh Sơn La được về dự chương trình của Làng Văn hóa. Bản thân tôi cũng như cộng đồng các dân tộc rất xúc động, tự hào hướng về biển đảo dân tộc. Chúng tôi mong muốn với chữ ký của mình góp phần vào khẳng định chủ quyền của dân tộc."
Chương trình lấy chữ ký trên bản đồ Việt Nam sẽ diễn ra đến hết ngày 29/06, sau đó bản đồ này sẽ được gửi tặng các chiến sỹ, người dân ở huyện đảo Trường Sa.
Trong hai ngày 28 và 29/06, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ diễn ra các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hướng về biển đảo, biên giới và chủ quyền Tổ quốc. Lễ hội sẽ có các hoạt động chính: chương trình nghệ thuật "Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” diễn ra vào tối ngày 28/06; Lễ cúng thần sóng biển (lễ cúng Po Riyak) của ngư dân dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận; Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân biển Quảng Ngãi; Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân biển thành phố Đà Nẵng; Triển lãm tư liệu, sách, tranh ảnh về biên giới, hải đảo và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc kết hợp trưng bày đá chủ quyền Trường Sa.
Các hoạt động góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước của cộng đồng các dân tộc trong Đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đồng thời tăng cường công tác góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước của cộng đồng các dân tộc trong Đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hàng trăm đồng bào của 32 dân tộc đến từ 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền của đất nước và lực lượng học sinh, sinh viên các dân tộc đang học tập tại một số trường ở Hà Nội và Tây Nguyên tham gia lễ hội này./.