(VOV5) - Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, Lê Lợi (1385 - 1433), sau khi dẹp giặc Minh lên ngôi Hoàng đế năm 1428 rất chú trọng đến vùng Tây Bắc, coi đây là biên cương phên dậu trọng yếu của quốc gia.
Hôm nay (2/2 tức 12 tháng Giêng), đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Lai Châu tổ chức Khai hội Đền thờ Vua Lê Lợi ở phường Đoàn Kết với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn du khách.
Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu Nguyễn Văn Nghiệp đánh trống khai hội Đền thờ Vua Lê Lợi. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN |
Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, Lê Lợi (1385 - 1433), sau khi dẹp giặc Minh lên ngôi Hoàng đế năm 1428 rất chú trọng đến vùng Tây Bắc, coi đây là biên cương phên dậu trọng yếu của quốc gia.
Năm 1432, Lê Lợi thân chinh cầm quân dẹp loạn ở Châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay). Công ơn của ông được đồng bào các dân tộc Lai Châu tưởng nhớ, tôn kính.
Các đại biểu lãnh đạo thành phố Lai Châu và nhân dân trong, ngoài tỉnh Lai Châu chuẩn bị dâng hương tại đền thờ Vua Lê Lợi. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN |
Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi gồm 2 phần: Phần lễ là nghi thức đánh trống khai hội, dâng hương; ở phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, kéo co, bịt mắt đánh chiêng…thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương tham gia, cổ vũ.
Sau khi khai hội, đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Lai Châu nói riêng, trong tỉnh Lai Châu nói chung tới dâng hương tưởng nhớ công ơn của đức Vua.