(VOV5) - Quỹ học bổng nhằm tôn vinh, khuyến khích những học sinh, những nhà nghiên cứu và những nghệ sĩ góp phần phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Sáng nay (23/7), Quỹ học bổng Trần Văn Khê đã tổ chức trao "Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê” tại TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao giải thưởng Trần Văn Khê cho các cá nhân - Ảnh: Thúy Bình/nhandan.vn |
Quỹ Học bổng Trần Văn Khê được thành lập vào năm 2021, có mục tiêu lớn nhất là trao giải thưởng và học bổng định kỳ nhằm tôn vinh, khuyến khích những học sinh, những nhà nghiên cứu và những nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, trình diễn, góp phần phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao tặng Giải thưởng Trần Văn Khê (30 triệu đồng mỗi giải) cho các Nhà nghiên cứu, nghệ sĩ: NSƯT, Nhà giáo, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoành Loan; Nhà nghiên cứu, Nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; NSƯT, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; NSƯT, Tiến sĩ Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Thạc sĩ, Nhạc sĩ Âm nhạc dân tộc Phan Nhứt Dũng.
Ban tổ chức còn trao Học bổng Trần Văn Khê (10 triệu đồng mỗi học bổng) cho 9 học sinh, sinh viên đang theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao học bổng Trần Văn Khê cho các học sinh, sinh viên - Ảnh Thúy Bình/nhandan.vn |
Giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921. Ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng Tiến sĩ văn chương ngành nhạc học hạng tối ưu tại Đại học Sorbonne (Pháp) vào năm 1958 với bản luận văn “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”.
Suốt 50 năm sau đó, Giáo sư Trần Văn Khê đã tự nhận lấy trách nhiệm nghiên cứu và giới thiệu nền âm nhạc dân tộc Việt Nam mà ông cho là “rất hay, rất đẹp” với bạn bè trên thế giới và trao truyền cho các thế hệ người Việt.
Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.
Sự đánh giá đó đã góp phần quan trọng đưa đến sự công nhận và vinh danh của UNESCO ở tầm mức thế giới các loại hình Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian cồng chiêng Tây nguyên, Ca trù, Đờn ca tài tử.
Gần 10 năm cuối đời (2007-2015), ông về sống hẳn tại Việt Nam và cùng các cộng sự dựng lên một không gian diễn xướng âm nhạc dân tộc định kỳ và một thư viện Trần Văn Khê với hàng nghìn tư liệu nghiên cứu quý giá bằng giấy và bằng băng, đĩa.
Trước khi mất, Giáo sư Trần Văn Khê có mong muốn được trao tặng Giải thưởng và Học bổng cho những người theo đuổi âm nhạc dân tộc bằng tình yêu và tài năng, góp phần gìn giữ, lưu truyền giá trị âm nhạc dân tộc Việt Nam. Mong muốn đó đã được thể hiện trong Di nguyện của ông và lập thành Vi bằng năm 2015.