(VOV5) - Đến nay, chuyến xe “Thư Viện Mùa Xuân” đã phục vụ khoảng 50 điểm trường tại các địa bàn, giúp cho hơn 15.000 em nhỏ được đọc sách và trải nghiệm các hoạt động.
Trao tặng sách, đưa sách đến tận các buôn làng là cách mà nhiều đơn vị làm văn hóa cũng như các tổ chức từ thiện đang triển khai tại Đắk Lắk để giúp thiếu nhi ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận và đọc sách. Qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến từng buôn làng, tiếp lửa để thiếu nhi thêm quan tâm, yêu thích việc đọc sách.
Dưới tán cây xanh trong khuôn viên trường THCS Tô Vĩnh Diện, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, một nhóm học sinh ngồi chăm chú đọc sách cạnh chiếc xe tải màu vàng với tên gọi “Thư viện mùa xuân”. Dù giữa tiết trời nắng nóng oi bức, tiếng ve râm ran, hay những âm thanh náo nhiệt từ nhiều hoạt động vui chơi xung quanh đang diễn ra, các em vẫn chăm chú đọc từng trang sách.
Học sinh chăm chú đọc sách dưới tán cây. Ảnh: VOV |
Vừa đọc xong tập thơ “Em cứ sống một cuộc đời của cỏ”, em H Sơ Mi MLô, học sinh lớp 7A3, liền lấy một mẩu giấy viết những suy nghĩ cảm nhận của mình về cuốn sách rồi đem đến chỗ của người phụ trách nộp lại. H Sơ Mi Mlô chia sẻ em cảm thấy chiếc xe thư viện lưu động này rất thú vị, trên đó có rất nhiều loại sách và cả đồ chơi hấp dẫn.
"Em rất thích thư viện này vì có nhiều truyện để đọc và có nhiều thứ để tham khảo, để học. Có nhiều thứ bổ ích cho việc học, giúp tinh thần thoải mái."
Không chỉ được tặng và đọc sách, các em học sinh còn được nhận những phần quà ý nghĩa và trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích như chơi cờ vua, vẽ tranh, nặn tò he, làm bìa sách từ giấy carton.Chị Phạm Khánh My, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phụ trách xe “Thư viện mùa xuân”, chia sẻ với mong muốn tạo ra những trải nghiệm thú vị để thiếu nhi tại các địa bàn vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên được tiếp cận và đọc sách nhiều hơn, từ năm 2020 Công ty xã hội Bồ Công Anh (ở thành phố Buôn Ma Thuột) phối hợp với các nhà hảo tâm triển khai dự án cộng đồng với tên gọi “Thư viện về buôn”. Sau hơn 2 năm, “thư viện” này dần trở nên tinh gọn hơn khi có chiếc xe tải nhỏ được trang trí rực rỡ, chở mọi loại sách, quà, đồ chơi rong ruổi đến khắp các buôn làng, điểm trường vùng sâu tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông. Từ đây, “Thư viện về buôn” đổi sang tên gọi mới là “Thư Viện Mùa Xuân”.
Những chuyến xe thư viện lưu động đã góp phần đưa sách đến với trẻ em vùng sâu. Ảnh: VOV |
Đến nay, chuyến xe “Thư Viện Mùa Xuân” đã phục vụ khoảng 50 điểm trường tại các địa bàn, giúp cho hơn 15.000 em nhỏ được đọc sách và trải nghiệm các hoạt động. Cùng với đó, ban điều hành đã trao tặng hơn 12.000 đầu sách cho các tủ sách đặt tại các lớp học ở mỗi điểm trường có tổ chức hoạt động. Chị Phạm Khánh My chia sẻ: "Để các em đọc sách, trên xe luôn chuẩn bị những phần quà khuyến đọc. Khi các em đọc xong ghi cảm nhận để biết được là các em có đọc hay không, mình thu tờ cảm nhận đó và tặng lại quà cho các em, có thể là sổ, bút hoặc là bất cứ thứ gì ở trên xe, ngay cả sách mình có thể tặng luôn."
Chuyến xe “Thư viện Mùa Xuân” là một trong số nhiều hoạt động lan tỏa và phát triển văn hóa đọc tại Tây Nguyên. Về phía các địa phương, từ năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch, triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tạo điều kiện để người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác.
Ông Ngô Trung Vinh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các trường học tổ chức ngày sách và văn hóa đọc tại đơn vị. Ngoài ra, tổ chức nhiều hoạt động tùy vào điều kiện thực tế, có thể là xếp sách, cho các em trải nghiệm đọc sách và nhiều hoạt động giáo dục các em về truyền thống, văn hóa cũng như văn hóa đọc."
Theo ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, với sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi năm lại có thêm nhiều sách được đưa đến tận các trường học, thư viện ở các địa bàn vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Cùng với cách thức đọc truyền thống, việc ứng dụng chuyển đổi số, số hóa trong phát triển văn hóa đọc sẽ thúc đẩy lan tỏa nhiều hơn trong nhân dân, nhất là thiếu nhi, học sinh: "Trong thời đại công nghiệp 4.0, mong muốn là mọi người cùng phát huy hơn nữa, không chỉ trong sách truyền thống mà các phương tiện, các loại hình sách để tri thức được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, trở thành một xã hội học tập. Để đảm bảo việc này thì tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đều tham gia để việc đọc sách trở thành việc thường xuyên trong đời sống."
Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở, tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách đồn Biên phòng, cùng với các thư viện lưu động được đưa đến tận từng buôn làng, điểm trường tại Đắk Lắk đã từng bước phát huy tác dụng, phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân, nhất là thiếu nhi, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.