Múa Bát Dật ở Thái Bình

(VOV5) - Điệu múa cung đình hay còn gọi là Bát Dật thường được người dân xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình biểu diễn trong mỗi dịp lễ hội đầu năm. Điệu múa có mặt ở An Khê từ hàng trăm năm trước, mới được người dân quê lúa Thái Bình khôi phục và biểu diễn mỗi dịp xuân về khoảng 10 năm trở lại đây. 

Múa Bát Dật ở Thái Bình - ảnh 1
ĐIệu múa Bát Dật (Ảnh: internet)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Múa Bát Dật mang phong cách múa cung đình được trình diễn khi đất nước hòa bình, nhân dân no ấm. Điệu múa gốc ở cung đình có 64 người múa được chia thành tám hàng, mỗi hàng tám người nên được gọi là Bát Dật. Điệu múa  Bát Dật do bị thất lạc trong thời gian dài nên những người dân quê lúa xã An Khê đã phải dày công tìm tòi, nghiên cứu, tìm ra những nghệ nhân cao niên từng tham gia vào đội múa Bát Dật trước kia để khôi phục lại. Đến nay, lớp người trung niên trong làng, ai cũng mong đến lễ hội để được hòa mình vào không khí của điệu múa cung đình cổ truyền. Cụ Đỗ Thị Thịnh, năm nay 73 tuổi cũng tham gia vào những lớp truyền dạy cho các con cháu trong làng. Cụ Thịnh nhớ lại: "Năm 14 tuổi tôi đã đi múa. Giờ lâu rồi không múa, đến khi làng khôi phục lại điệu múa này, một số cụ đứng lên dạy lại đều cao tuổi. Ở làng có 2 cụ dạy, nhưng giờ một cụ mất rồi. Bây giờ ít người biết múa Bát Dật lắm".

Múa Bát Dật ở Thái Bình - ảnh 2
Cụ Thịnh kể về điệu múa Bát Dật

Cụ Thịnh cho biết thêm: "Múa Bát Dật được chia làm nhiều màn múa nên trước khi diễn ra buổi trình diễn, những người tham gia phải dành thời gian tập luyện trước tầm 2 tháng. Ngày trước các cụ được rèn kỹ lắm, thời gian rảnh là tập múa. Điệu Bát Dậtcó 4 lớp. Ban đầu vào là kéo chữ, sau bổ đồn và thắng trận thì múa kéo hoa, múa dân gian, cuối cùng là múa tiên. Ban đầu kéo chữ Giáp, là giáp trận. Bổ đồn trước là 4 đồn sau là 8 đồn. Thắng Trận rồi thì hân hoan, múa cung đình thì 32 người còn múa dân gian là 16 người. Múa nhiều tầng nhiều lớp cũng quen thôi".

Thời trước, điệu múa Bát Dật đều do những cô gái chưa chồng, đẹp người, đẹp nết trình diễn. Còn ngày nay do điều kiện thực tế, điệu múa Bát Dật được các bà tầm tuổi trung niên ở xã An Khê biểu diễn. Bà Đoàn Thị Hoa, 54 tuổi cho biết, lớp trẻ ở làng thời gian còn đi học đi làm nên chỉ duy trì cho một lớp để các cháu biết về điệu múa. Còn để biểu diễn thì toàn những người tuổi như bà Hoa tham gia. Bà Hoa chia sẻ: "Điệu múa này có từ lâu rồi, đến nay cứ mai một đi, từng lớp một, có thời gian quên lãng. Chúng tôi khôi phục 8 năm nay, từ đó chúng tôi hoạt động đều. Chị em trong đoàn tổ chức 2 lớp, một lớp trẻ và một lớp trung tuổi. Chúng tôi tầm trung tuổi, dễ tập trung để tập, còn các cháu thì còn phải đi học nên thời gian tập luyện ít hơn".

Múa Bát Dật ở Thái Bình - ảnh 3
Bà Hoa mặc trang phục múa Bát Dật hiện nay

Bà Hoa là một trong số ít người ở xã An Khê biết hát theo điệu múa Bát Dật. Không giống hát chèo, không như hát tế, hát múa Bát dật theo lời cổ truyền từ đời này sang đời kia. Theo bà Hoa, mới đầu học múa rất khó, bởi học theo các cụ, mà điệu Bát Dật lại không như hát chèo. Hát trong điệu Bát Dật là hát giật cục chứ không truyền cảm. Trong nhóm múa của bà vẫn chỉ có duy nhất bà Hoa hát đúng điệu. Điều làm bà trăn trở là làm sao để tìm người trẻ hơn có thể hát đúng để thay thế mình. 

Ông Nguyễn Duy, một trong số ít nghệ nhân cao tuổi tham gia đội nhạc múa Bát Dật, tiếp lời: việc tìm người biết hát đã khó thì tìm người chơi nhạc cụ lại càng khó hơn. Ông cho biết: "Dàn nhạc chỉ có trống, thanh la với mõ. Nhạc cụ đơn điệu nhưng khi nhạc nổi lên lại không đơn điệu trong điệu múa. Còn ai cũng gõ được nhưng để chơi không đơn điệu thì cực kỳ khó. Cũng giống như hát, hát không ra văn từ nào nhưng để rôm rả vừa mang tính nghệ thuật, vừa biểu hiện hơi hướng cổ truyền để người nghe, người xem không chán mới là cái tài của người hát. Nếu để người xem chán thì khó mà giữ được điệu múa cổ".

Người múa Bát Dật trước mặc váy tứ thân màu nâu, thắt dây lưng vải nhiều màu, đầu đội chiếc mũ gắn ba ngọn đèn dầu vì thường múa vào buổi tối.  Ánh sáng của những ngọn hoa đăng tỏa ra lung linh huyền ảo, di chuyển theo điệu múa nhịp nhàng. Còn trang phục múa bây giờ cũng vẫn là mặc áo tứ thân nhưng màu sắc rực rỡ hơn.

Mỗi khi lễ hội của làng An Khê diễn ra, điệu múa Bát Dật lại một lần nữa thể hiện sự kết tinh tư duy sáng tạo của nông dân lao động, sản xuất, ca ngợi đời sống ấm no, thái bình./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác