Múa rối nước - nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Việt
Lan Anh -  
(VOV5) - Tính độc đáo trong văn hóa dân gian của người Việt được thể hiện ở các loại hình dân ca gắn với các hình thức diễn xướng, các loại hình nghệ thuật biểu diễn như dân ca quan họ Bắc Ninh, chèo, tuồng, ca trù, hát xoan, ví dặm ở Nghệ tĩnh, múa rối nước... Trong đó thì chèo, ca trù và múa rối nước là những loại hình sân khấu diễn xướng mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam, múa rối nước là một trong những loại hình độc đáo nhất. Với sân khấu là mặt nước, diễn viên là các con rối, cộng với hiệu quả của ánh sáng và pháo hoa đã tạo ra những màn biểu diễn hấp dẫn và huyền ảo. Nghệ thuật múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước. Mỗi phường múa rối nước đều có những đặc điểm, thế mạnh riêng, nhưng nhìn chung, các tích trò đều gắn với truyền thuyết lâu đời từ thời dựng nước, phản ánh sinh hoạt và lao động của người nông dân trên đồng ruộng với bao lo toan vất vả trước thiên tai, địch hoạ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Chị Hoàng Minh Nguyệt, cán bộ Bảo tàng dân tộc học, cho biết: “Trên thế giới có nhiều loại hình múa rối như rối bóng, rối cạn nhưng rối nước chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Đây là môn nghệ thuật xuất hiện cách đây khoảng 10 thế kỷ rồi và do người nông dân sáng tạo ra. Cho nên nếu xem một buổi trình diễn múa rối nước thì đều diễn tả lại công việc đời thường của người nông dân như chăn trâu, cày bừa, đánh bắt cá hay một số tích trò như múa tiên, hay múa rồng. Sân khấu múa rối nước là buồng trò có mái che, người ta gọi là thủy đình, các nghệ nhân ngâm mình dưới nước để điều khiển con rối”.
|
Các nghệ nhân ngâm mình dưới nước để điều khiển con rối |
Nghệ thuật Múa rối ở Việt Nam đã có từ lâu đời trong lịch sử, gắn liền với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1121 Múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua, mà minh chứng đó là những dòng chữ được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý mà hiện nay đang được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.Từ những con Rối riêng lẻ của một số các cá thể phát triển thành những Phường rối với nhiều những tích trò hay, lạ, đẹp mắt rồi được đem ra biểu diễn, thi tài phục vụ nhân dân. Nhà nghiên cứu nghệ thuật múa rối Nguyễn Huy Hồng, cho biết: “Múa rối nước đều là sản phẩm của vùng đồng bằng bắc bộ. Đồng bằng bắc bộ là nơi đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Lúc đầu thì không gọi là rối mà chỉ coi như là con trò. Đấy là người dân bắt chước để cho vui. Cho nên rối có đến 10 cái tế, ngày xưa có nơi gọi rối là ổi, xong đến lỗi, vì thế dân Việt Nam nói văn hóa Việt Nam là của người trồng lúa nước. Những người nông dân sống ở vùng lúc nước, phải đào đất đắp nền, làm nhà, thành ao, cho nên các làng xưa xung quanh toàn ao”.
|
Múa rối nước thường được diễn vào dịp lễ hội |
Múa rối nước thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Nghệ thuật trò rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường: dùng mặt nước làm sân khấu, gọi là nhà rối hay thủy đình, phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt... Trên sân khấu mặt nước, những con rối làm bằng gỗ biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây. Con rối được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh. Ông Nguyễn Văn Khỏe, phường rối Nam Định, cho biết, những nghệ nhân mỗi lần biểu diễn phải tập trung cao độ vì biểu diễn dưới nước nên cũng có nhiều khó khăn. Ông Khỏe chia sẻ: “Cái khó khăn của rối nước là nó nằm ở dưới nước, hệ thống dây không nhìn rõ được. Một trò như có mấy chục cái dây nên người diễn viên phải nhớ ngay trong đầu đâu là dây trước, đâu là dây sau. Thời tiết phải thuận lợi để diễn viên không bị rét. Xuống nước mà nước cạn quá hoặc lớn quá cũng không làm được. Đòi hỏi nước phải đủ mới điều khiển được”.
|
Buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ |
Buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Buổi diễn rối nước diễn ra nhộn nhịp với lời ca, tiếng trỗng, mò, tù và....Âm nhạc sử dụng trong biểu diễn rối nước là các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Múa rối nước đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn bó với họ từ thế hệ này sang thế hệ khác./.
Lan Anh