(VOV5) - Nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ, 66 tuổi, qua đời lúc 13h50 chiều 23/12 tại nhà riêng sau thời gian bệnh ung thư.
Nghệ sĩ Thanh Điền - chồng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ - nghẹn ngào: "Khi tôi đang đi quay phim thì được người nhà báo tin. Cô ấy chờ tôi về đến nhà, gặp mặt lần cuối mới chịu nhắm mắt. Tôi đau lắm khi mất đi người vợ gắn bó, người đồng nghiệp tài hoa của làng cải lương".
Thanh Điền cho biết ông chuẩn bị tâm lý cho sự mất mát vì vợ bị ung thư, sức khỏe bà suy yếu nhiều năm qua.
Nhiều đồng nghiệp bàng hoàng khi hay tin Thanh Kim Huệ qua đời. Nghệ sĩ Minh Vương - bạn diễn ăn ý với Thanh Kim Huệ - ngậm ngùi khi hay bà mất, nói ông biết tình trạng của Thanh Kim Huệ suốt mấy tháng qua. Ông tư vấn cho đồng nghiệp một số nơi chữa bệnh, cầu nguyện cho bà sớm phục hồi. Với ông, Thanh Kim Huệ là một trong số ít những cô đào có chất giọng kim, sáng vang hiếm có. Minh Vương cho biết: "Thanh Kim Huệ không tham gia nhiều vở, nhưng các nhân vật của cô ấy đều để lại ấn tượng đậm nét, trở thành chuẩn mực cho các diễn viên trẻ".
Nghệ sĩ Bạch Tuyết nói hay tin bạn mắc bạo bệnh đã lâu, song sự ra đi của Thanh Kim Huệ vẫn khiến bà nhói lòng. Nhiều tháng trước, Bạch Tuyết thăm Thanh Kim Huệ lúc nữ nghệ sĩ trở nặng. Thấy đồng nghiệp đau đớn trên giường bệnh, bà không cầm được nước mắt. Bạch Tuyết cho biết: "Vậy mà em ấy không than một lời. Có lần, em nói với tôi: Nếu được, em chỉ muốn mình ra đi sớm để chấm dứt nỗi đau cho bản thân và gia đình".
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ (1955-2021) là một trong những nghệ sĩ gạo cội, hội tụ đủ thanh và sắc, in đậm dấu ấn với khán giả mộ điệu sân khấu cải lương một thời. |
Kim Tử Long cho biết anh đau lòng, vì không hề biết nghệ sĩ bị bệnh ung thư. Tử Long nói: "Mất mát này quá lớn với sân khấu cải lương. Tôi tiếc vì chị ấy không chờ kịp đến ngày được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chị đang ấp ủ dự án dựng lại những vở kinh điển của chính mình, nhưng giờ mọi việc dang dở". Kim Tử Long thích nhất Thanh Kim Huệ đóng vai Hà Trang của Em ơi đừng khóc nữa - một hình tượng phụ nữ thủy chung trong tình yêu.
Ở tuổi xế chiều, Thanh Điền - Thanh Kim Huệ dốc sức cho sân khấu cải lương. Hồi tháng 5, vừa ra viện sau một đợt ốm, bà nhận lời xuất hiện trong chương trình Dấu ấn huyền thoại, cùng chồng diễn lại các trích đoạn kinh điển. Bà nói: "Hơn 50 năm vào nghề, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giải nghệ, vẫn chú trọng giữ gìn sức khỏe để gặp khán giả trong tâm thế tốt nhất. Chúng tôi nguyện cầu giữ được năng lượng ấy để hát đến ngày cuối đời".
Hồi tháng 7, khi vợ chồng bà được đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Thanh Kim Huệ cho biết: "Tôi vui mừng và hãnh diện. 45 năm theo nghiệp ca diễn, ngoài tình cảm lớn lao của khán giả, danh hiệu nhà nước phong tặng là một trong những phần thưởng ghi nhận nỗ lực trong nghề của tôi".
Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh năm 1955 tại TP HCM. Năm 13 tuổi, cô bé Bùi Thị Huệ về đoàn Kim Chung - gánh hát đình đám thời bấy giờ, diễn các dạng vai từ nô tỳ đến đào ba, đào nhì... Bà lấy nghệ danh với chữ "Kim" ngụ ý về âm sắc cao, sáng của chất giọng.
Thanh Kim Huệ (áo xanh), Chí Tâm diễn cảnh chia tay trong lần đầu diễn chung vở "Lan và Điệp" trên sân khấu. Ảnh: Mai Nhật |
14 tuổi, Thanh Kim Huệ được cố soạn giả Loan Thảo chọn vào vai Lan, hát cùng Chí Tâm (vai Điệp) trong bản thu Chuyện tình Lan và Điệp (soạn giả Thế Châu). Là cô đào chưa mấy tên tuổi, bà hồi hộp khi lần đầu thể hiện một vai lớn. Thế nhưng, lúc hát, nghệ sĩ quên mọi thứ, sống trọn cùng mối tình oan nghiệt của nhân vật. Đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố học, bà chọn cách hát vừa nũng nịu, giận hờn vừa thiết tha của thiếu nữ trao trọn tin yêu cho mối tình đầu. Khi Lan bị phụ bạc, lên chùa cắt tóc đi tu, bà hát thay nỗi lòng người từ bỏ những sân hận trần gian.
Ngoài tuồng cổ, bà cũng được khán giả hâm mộ với những bản tân cổ giao duyên như Chợ Mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ, cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (Nhạc: Hoàng Thi Thơ, lời vọng cổ: Yên Lang)...