Nhộn nhịp mùa tôm sông Đà

(VOV5) - Còn với người dân sống ven hồ ở huyện Quỳnh Nhai, việc đánh bắt tôm trên hồ sông Đà đang đem lại nguồn thu nhập ổn định. 

Mỗi chiều về, bến thuyền Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, lại tấp nập thuyền bè cập bến. Những chiếc thuyền chở đầy tôm trở về sau một ngày khiến cả người mua và người bán đều phấn khởi. Từ khi  có bến thuyền này, nhiều chủ hàng đã có mặt ở đây để thu mua tôm sông Đà đưa về các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hải Dương.... Còn với người dân sống ven hồ ở huyện Quỳnh Nhai, việc đánh bắt tôm trên hồ sông Đà đang đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Gần 8 giờ sáng, anh Lò Văn Dơn ở bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, mới hoàn thành việc vớt rọ tôm được thả từ chiếu tối ngày hôm trước. Với gần 1.000 chiếc rọ, mỗi ngày anh thu được gần 4 cân tôm. Do không có điều kiện đi đánh bắt ở xa nên anh tranh thủ hàng ngày thả ở dọc bờ. Với giá bán 50.000 đồng/cân, cũng đủ để anh trang trải cái ăn cho cả gia đình 4 người. Anh  Dơn cho biết:Tôi có 3 đứa con đi học, chờ bố bán tôm về mới có tiền cho con đi học đấy. Cuộc sống bây giờ phụ thuộc vào con, tôm, con cá trên hồ thôi.

 

Nhộn nhịp mùa tôm sông Đà - ảnh 1
Những bè tôm bắt đầu "vào vụ" trên bến sông Đà

Còn vợ chồng anh Hoàng Văn Xương, bản Chọc Khuôn, xã Mường Giàng thì đã 4 năm nay  đi  thu gom tôm trên sông Đà. Gia đình thuộc diện tái định cư thủy điện Sơn La, nương rẫy ít, cuộc sống vất vả. Sẵn có chiếc thuyền, ban đầu anh chỉ đi bắt tôm bằng rọ thường, với suy nghĩ có thêm cái ăn và thu nhập cho con cái học hành. Sau đó thấy nghề đánh bắt tôm phát triển mạnh, anh bàn với vợ chuyển sang đi thu gom của các hộ đánh bắt nhỏ lẻ về bán cho thương lái. Vào đầu vụ như thời điểm này, mỗi tháng anh có thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng. Còn vào mùa tôm nổi là thời điểm sau Tết anh thu nhập tới 10 triệu đồng. Anh Xương cho biết: Nghề đánh tôm có từ khi sông Đà được ngăn thành hồ, nhưng chưa bao giờ lại phát triển như hiện nay. Ban đầu chỉ đánh tôm nhỏ lẻ vài chục người, nhưng hiện nay, số lượng người đánh rọ tôm lên đến hàng trăm người. Như bản của anh hầu như nhà nào cũng làm nghề bắt tôm, bởi ít ruộng, ít nương nên đánh bắt tôm hiện đang là nguồn thu nhập chính của các hộ dân ở đây.  Đáng mừng là hiện nay các thương lái đến mua tận bến, giả cả cũng ổn định  nên bà con rất yên tâm. Anh Hoàng Văn Xương cho biết: Đất đai ít nên chỉ có nghề làm tôm, cá này để sống thôi. So với làm nương thì thu nhập cũng khá hơn.

Nhộn nhịp mùa tôm sông Đà - ảnh 2
Các thương lái thu mua tôm ngay tại bến

Cùng với việc phát triển nghề đánh bắt, con tôm sông Đà đang mở ra những dịch vụ khác tạo việc làm và thu nhập cho người dân ở đây. Cơ sở chế biến tôm khô của bà Phạm thị Liên ở Yên Bái mở ra tại bản Pá Uôn đã 3 năm. Mặc dù nhỏ nhưng mỗi ngày cơ sở này cũng tiêu thụ hơn 1 tạ tôm tươi, với giá mua 60.000 đồng một cân. Chị Lường thị Tâm, người trông coi cơ sở cho biết: Hiện nay ngoài chị được trả 3 triệu một tháng, còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 người, thời gian cao điểm có tới 10 người làm việc lựa tôm sau khi sấy, có thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng một tháng. Chị Tâm cho biết:  Bà cho em đi làm, đi gom tôm về sấy cho bà, nói chung công việc cũng ổn định. Như các chị đây cứ lúc nào có việc thì gọi đến nhặt cho, còn không thì các bà cũng ở nhà thôi.

Nhộn nhịp mùa tôm sông Đà - ảnh 3
Tôm sông Đà giúp người dân có thêm thu nhập từ các cơ sở chế biến

 Hiện tại, ngay tại bến thuyền Pá Uôn có 4 chủ xe làm việc thu mua tôm, chở về bán tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Thời gian cao điểm từ tháng 2 đến tháng 7 số xe thường tăng gấp đôi. Anh Nguyễn Đình Thắng một chủ xe ở Hà Nội cho biết: Do tôm sông Đà ngọt thịt, ngon, lại là thực phẩm sạch  nên thị trường ở Hà Nội và một số tỉnh miền xuôi rất ưa chuộng. Chỉ riêng xe của anh mỗi ngày bao tiêu cho hàng trăm hộ dân đánh bắt. Mỗi chủ xe ký hợp đồng với hơn chục hộ đi trực tiếp thu gom của dân về. Anh Thắng cho biết:  Mỗi ngày tôi chở một chuyến, mỗi chuyến từ 7 tạ đến 1 tấn. Về giá cả thì cũng theo thời điểm lúc nào tiêu thụ chậm thì giá xuống một chút, lúc nào tiêu thụ được thì lại lên cho bà con có thu nhập. Trung bình thì từ giá 50 đến 70 nghìn một cân.

Đánh bắt tôm trên lòng hồ sông Đà hiện nay đã trở thành một nghề ổn định của người dân sống ven hồ. Tuy nhiên, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng trong việc hướng dẫn, khuyến khích người dân khai thác phù hợp lợi thế của mặt hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo cơ hội xóa đói giảm nghèo bền vững./.


Phản hồi

Các tin/bài khác