(VOV5) - Ngày 19/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát là tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Mục tiêu cụ thể là hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc; đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc; đến năm 2025, các đô thị hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Mục tiêu tiếp theo là bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị; các công trình kiến trúc bảo đảm tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, đối với khu vực đô thị, phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật… Đối với khu vực nông thôn, phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương.