(VOV5) - Hôm nay (13/02), tức mùng 6 Tết Nguyên đán Bính Thân, nhiều lễ hội lớn được tổ chức thể hiện nét sinh hoạt độc đáo của cư dân các vùng miền cũng như truyền thống tưởng nhớ về cha ông, giữ gìn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.
Sáng 13/2, Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới dự và dâng hương. Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tri ân công lao Hai Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà diễn ra vào năm 40 - 43 sau công nguyên, chống quân Hán đô hộ. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. Sau khi Hai Bà mất, để tưởng nhớ, biết ơn công đức Hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh đã lập Đền thờ Hai Bà Trưng. Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch) với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú.
Cùng ngày, tại Khu Văn hóa núi Bài thơ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Bính Thân 2016. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, dự lễ. Khai bút đầu năm là nét đẹp văn hóa của dân tộc có từ lâu đời, thể hiện ước vọng về những điều tốt lành, hanh thông trên con đường học hành thi cử, mưu cầu công danh sự nghiệp. Lễ khai bút và khai ấn năm nay được tổ chức kéo dài trong 3 ngày từ mùng 6 đến hết mùng 8 Tết (từ 13/2 – 15/2/2016) với tiêu chí dần dần biến hoạt động này thành một lễ hội hiện đại để tưởng nhớ tiền nhân, tôn vinh sự học và thi đua sáng tạo mỗi dịp Xuân về.
Đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đã về dự lễ khai hội chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
|
Khai hội chùa Bái Đính - Ninh Bình - Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh trống Khai hội; đồng thời cùng với nhân dân và du khách dâng hương, tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính, cho biết: Lễ phật đầu năm là nét đẹp trong đời sống tâm linh, thể hiện truyền thống hướng về cội nguồn của người Việt. Hàng năm, các tăng ni, phật tử cùng nhân dân cả nước lại tụ hội về Bái Đính, kính cẩn dưới chân Phật cầu mong những điều tốt đẹp cho chúng sinh và cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa: “Năm nay khác với mọi năm là chùa sẽ nhấn mạnh về vấn đề hội. Ngoài các nghi thức, nghi lễ về phật giáo và nghi lễ đánh trống, đánh chiêng khai hội ra còn có các hoạt động mang tính chất tâm linh. Về lễ hội thì năm nay có lễ hội như rước kiệu lên chùa cổ, viết tư pháp, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, giới thiệu cho bà con về khu vườn đào cho du khách về chiêm bái cảnh phật có thể thưởng ngoạn phong cảnh của chùa.”
Cũng trong sáng nay, hàng nghìn du khách thập phương về dự khai hội Chùa Hương. Dự kiến, Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ đón hơn 1,5 triệu lượt khách. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội du lịch chùa Hương huy động hơn 4 nghìn xuồng đò phục vụ người dân về tham gia trảy hội.
|
àng vạn du khách đến dự lễ khai hội chùa Hương vào sáng 13/2 ( tức mùng 6 Tết). |
Tối 12/2 (tức ngày mùng 5 tết), Ban tổ chức các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa Kỷ niệm 227 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 -2016). Đông đảo người dân và du khách đã có mặt để thưởng thức Chương trình sân khấu hóa hoành tráng với chủ đề: Âm vang mãi bản anh hùng ca mùa xuân. Các nghệ sĩ tham gia chương trình đã tái hiện sinh động hình ảnh vua Quang Trung-Nguyễn Huệ, và chiến thắng lẫy lừng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Chương trình cũng đã chuyển tải đến người xem tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Có mặt tại đây, anh Nguyễn Văn Thơ, người dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi xem chương trình này rất có ý nghĩa, giáo dục thế hệ trẻ con, cháu mình ông cha mình đã đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ đất nướcnhư thế nào. Ngày nay mình truyền lại cho con cháu mình có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn lãnh thổ, biển đảo.”
Tại huyện đảo Lý Sơn, hôm qua, tỉnh Quảng Ngãi mở hội đua thuyền truyền thống để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, ngư dân thuận buồm xuôi gió khi ra khơi khai thác hải sản.
|
Lễ hội đua thuyền truyền thống Lý Sơn, Quảng Ngãi
|
Năm nay, Lễ hội đua thuyền đầu xuân diễn ra từ ngày Mồng 4 đến Mồng 8 Tết. Đua thuyền truyền thống đầu Xuân là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân trên đảo, thể hiện nét sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết: Từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết Nguyên đán Bính Thân, có khoảng 15 vạn lượt khách đã đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tết nguyên đán năm nay, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ khách tham quan. Ngoài Hội chữ Xuân Bính Thân được tổ chức tại khu vực hồ Văn, trung tâm cũng tổ chức chương trình múa rối nước tại vườn Giám, tổ chức đánh cờ tướng, múa lân, tọa đàm về thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương.