Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Như các bạn đã biết thì khiêu vũ thể thao rất nhiều những cái vũ hình mà người khiếm thị không thể quan sát được."
"Trước đây nhiều người nhìn nhận về môn thể thao dành cho người khiếm thị này nó chưa được đúng lắm, họ đánh giá môn này quá khó."
Đó là những chia sẻ từ các thành viên Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội tại phòng tập của Hội người mù quận Đống Đa. Khiêu vũ, đối với nhiều người bình thường, cũng là một môn thể thao không dễ dàng để tập luyện. Nhưng tại góc nhỏ này của Hà Nội, những người khiếm thị lại có thể tập luyện và tỏa sáng trong cả những cuộc thi bền bỉ suốt 5 năm qua.
Đằng sau những bước nhảy xóa tan mọi khoảng cách đó, có tên của một người thầy được họ trìu mến nhắc tới: Vũ công Tô Văn Hòa.
Huấn luyện viên, vũ công Tô Văn Hòa. Ảnh:NVCC |
Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (viết tắt là Solar Club) được Hội người mù thành phố Hà Nội thành lập năm 2019 như một trong những hoạt động để người khiếm thị có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, dưới sự tài trợ của REACH- trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Huấn luyện viên Tô Văn Hòa được mời về hướng dẫn rèn luyện thể chất cho những người khiếm thị, với môn khiêu vũ thể thao.
Huấn luyện viên, vũ công Tô Văn Hòa chia sẻ: “Đối với người khiếm thị, tôi đã phải xóa đi tất cả những giáo án, giáo trình mà tôi được học. Tôi đặt tôi vào chính con người của các bạn ấy và tôi tự hiểu rằng các bạn cần gì. Vì thế tôi không thể dạy như đối với các lớp bình thường. Từ những ngày đầu tiên, tôi hoàn toàn không có kiến thức về hướng dẫn cho người khiếm thị.
Tôi đã thử nghiệm bằng cách rất riêng: từ những nhịp vỗ tay để tìm nhau, những thao tác hoàn toàn tự nhiên. Và khi làm được điều đó, tất cả các bạn đã vỡ òa ra như tôi đã có kinh nghiệm để hỗ trợ cho các bạn. ”
Góc nhỏ tại trụ sở Hội nguwòi mù quận Đống Đa, nơi câu lạc bộ Solar club tập luyện bộ môn khiêu vũ thể thao do huấn luyện viên, vũ công Tô Văn Hòa giảng dạy. Ảnh: Mạnh Quỳnh |
Khó khăn từ những rào cản về tâm sinh lý của người khiếm thị, ban đầu đã gây ra nhiều trở ngại trong quá trình giảng dạy.
Chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch hội người mù quận Đống Đa, một học viên xuất sắc của câu lạc bộ xúc động kể: “Bằng sự nhiệt tình và tận tâm của một người thầy muốn truyền đạt đến với những học sinh khiếm thị bằng những bước nhảy kỳ diệu như vậy. Thầy đã tự nghiên cứu, trải nghiệm, từ đó nghĩ ra những cách để học sinh khiếm thị tiếp thu được những bước nhảy của thầy.”
Khiêu vũ thể thao có rất nhiều vũ hình mà người khiếm thị không thể quan sát được. Ảnh: Mạnh Quỳnh |
Nhiều học viên ban đầu khi tham gia lớp học còn tâm lý e ngại, ngại tiếp xúc.. Vậy mà, sau thời gian gắn bó với thầy Hòa và câu lạc bộ, họ đã thay đổi hoàn toàn. Huấn luyện viên, vũ công Tô Văn Hòa cho biết: "Có bạn những buổi đầu chẳng bao giờ nói câu gì cả, động tác còn run, e ngại. Lúc đó tôi đã tìm đủ mọi cách, kiên nhẫn suốt 6 tháng để bạn có thể nói chuyện, đùa được, cười được. Điều đó đã giúp bạn ấy đã tập được bộ môn này tốt hơn.
Đối với nhiều người bình thường thì khiêu vũ là môn mới, đối với người khiếm thị thì lại càng mới, vậy nên họ có cảm giác bị khó và khi tiếp xúc họ bị cảm giác như mình làm phiền người khác, họ thu mình lại. Nên điều đầu tiên mà tôi phải làm là giúp họ cười. Chỉ cần họ cười họ sẽ đưa tay, đưa chân để mình hướng dẫn. Như vậy là thành công."
Lớp học khiêu vũ được tài trợ của tổ chức Reach kéo dài 20 buổi học, lẽ ra hành trình có thể dừng lại vẫn tròn nhiệm vụ, nhưng huấn luyện viên Tô Văn Hòa nhận ra một điều quan trọng: "Khóa học kết thúc 20 buổi thì các bạn đã rất khao khát muốn học tiếp. Trong nhóm, họ nói chuyện với nhau: ước gì ngày mai chúng ta không nghỉ. Sau khi tôi nghe được những tâm sự đó, tôi nói rằng tôi sẽ vẫn tiếp tục cùng các bạn, cho tới khi các bạn không muốn học nữa. Và lớp học đó đã duy trì đến nay là 5 năm rồi."
Cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách" là sân chơi bộ môn khiêu vũ dành cho người khiếm thị. Ảnh: NVCC |
Vẫn phải vất vả lo công cuộc mưu sinh, nhưng thầy Hòa đã không ngần ngại bỏ thời gian công sức đều đặn lên lớp tuần hai buổi, để chia sẻ món quà quý giá nhất với những học viên – những người bạn ở câu lạc bộ: cách thức thể hiện tình yêu cuộc sống, sự trân trọng giữa người với người.
Anh Đỗ Xuân Quang, chủ nhiệm câu lạc bộ khiêu vũ Soler Dance, tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu, kể lại: "Khi kết thúc chương trình tài trợ của tổ chức Reach, thầy đã đề nghị với lớp là bất kỳ ai mà muốn tiếp tục tập luyện khiêu vũ thì thầy luôn sẵn sàng và tiếp tục dậy hoàn toàn miễn phí. Lúc đó mọi người rất bất ngờ, mọi người lại cứ nghĩ sau khi hết tài trợ thì lớp học sẽ dừng hoặc tự lo trang trải chi phí cho lớp học. Lúc đó thầy có nói rằng, dù chỉ còn một học viên thầy cũng sẽ vẫn tiếp tục dậy. Và thầy đã làm đúng những điều mà thầy nói. Có những lúc số học viên của câu lạc bộ chỉ còn 4,5 người tập, lớp học rất vắng, nhưng thầy cũng vẫn quyết tâm và trò quyết tâm."
Và bước ngoặt lớn đối với lớp nhảy, cũng đến thật tình cờ. Khi nhận được thông tin Hà Nội đăng cai lần đầu tiên giải nhảy dancesport WDSF, thầy Tô Văn Hòa đã quyết định xin cho câu lạc bộ khiếm thị của mình một góc của sân khấu, với mong muốn tạo ra cho họ một sân chơi riêng, nơi mà những học viên của mình có dịp thể hiện bản thân, khẳng định mình, giúp họ có những động lực để tiếp tục rèn luyện, cố gắng hơn nữa.
Huấn luyện viên, vũ công Tô Văn Hòa (người thứ 5 từ phải sang) cùng các thí sinh và Ban tổ chức tại cuộc thi "Bước nhảy xóa mọi khoảng cách năm 2021". - Ảnh: NVCC |
Huấn luyện viên, vũ công Tô Văn Hòa chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, nếu các bạn ấy đã tập được như những người bình thường vậy tại sao các bạn không tham gia như người bình thường. Vì vậy, tôi đã quyết định thử nghiệm. Lần đầu tiên các bạn ấy tỏ ra run, nhưng chỉ đến buổi thứ hai mọi chuyện rất tích cực, tích cực hơn nhiều và tràn đầy năng lượng.”
Cuộc thi Bước nhảy xóa mọi khoảng cách, ngay lần đầu tiên năm 2021 với nòng cốt là Câu lạc bộ khiêu vũ, từ sáng kiến của thầy Tô Văn Hòa, đã thành công rực rỡ, khi rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cả thầy cô giáo cũ của anh đã ủng hộ hết mình. Anh Hòa nói: Hết sức cảm động, người giúp trang phục, người giúp từ cái đèn, trang trí sân khấu, bộ huy chương giải thưởng, Học viện múa Việt Nam tài trợ hẳn mặt bằng sân khấu cuộc thi…
"Vậy là chúng tôi tổ chức Giải đầu tiên mang tên “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” lần đầu tiên tại Việt Nam rất thành công. Sau đó thì các bạn có thêm động lực để tập luyện say sưa và chúng tôi lại tiếp tục tổ chức lần hai và cũng thành công, mặc dù lúc đó đúng là giai đoạn covid.." - Anh Hòa nhớ lại.
Thành viên của Solar Club trong một buổi biểu diễn (Anh Đỗ Xuân Quang, thứ hai từ trái sang, chị Đỗ Thúy Hà, thứ ba từ trái sang). |
Anh Đỗ Xuân Quang tự hào cho biết: "Hiện nay câu lạc bộ đã tổ chức thành công hai cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” vào năm 2021, 2022. Đây là cuộc thi dành cho các vận động viên khiêu vũ thể thao khiếm thị, trong hai mùa đã thu hút rất nhiều vận động viên, trong đó có cả những vận động viên đến từ nước ngoài. Vừa qua, Câu lạc bộ cũng được mời tham gia biểu diễn tại buổi khai mạc Paralympic( đại hội thể thao dành cho người khuyết tật). Đây là lần đầu tiên mà khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị được tham gia với các vận động viên khuyết tật trên cả nước."
Hai thành viên xuất sắc Vũ Thủy và Thúy Hà đoạt giải cao nhất trong cuộc thi Bước nhảy xoá mọi khoảng cách chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Tô Văn Hòa |
Suốt quá trình 5 năm, trải qua cả đợt dịch covid 19 khốc liệt, Câu lạc bộ từ hơn chục học viên ban đầu đến nay đã có trên 100 học viên tham gia chia thành 4 lớp.
Đã có hai lớp do chính những học viên của thầy Tô Văn Hòa nay đã có thể trực tiếp hướng dẫn cho những học viên mới.
Gợi cho học viên từng nụ cười, từng bước đi tự tin, tràn đầy năng lượng sống, tia lửa nhỏ của tình yêu đồng loại được thầy giáo Tô Văn Hòa thắp lên, được thổi bùng lên bởi những người bạn, những người tâm huyết, cùng chí hướng.
“Thành quả chính đến ngày hôm nay có được là mình đã truyền được niềm đam mê, nhiệt huyết đến cho các bạn ấy, còn các bạn ấy lại có những năng lượng tích cực. Hai cái đó cộng vào thì có được thành quả tốt.” - Anh Hòa chia sẻ.
Mùa hè năm nay, dự kiến cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” mùa thứ 3 sẽ được tổ chức.
Điều mà thầy giáo Tô Văn Hòa cũng như những học viên của Câu lạc bộ khiêu vũ cho người khiếm thị mong muốn đó là truyền tải và lan tỏa những thông điệp đẹp về cuộc sống, để những người khiếm thị nói riêng và tất cả những người khuyết tật nói chung luôn có niềm tin vào cuộc sống rằng họ cũng có thể thực hiện ước mơ như bao người bình thường khác.