Thanh Hóa bảo tồn di sản thành nhà Hồ gắn với phát triển du lịch

(VOV5) - Thành nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với phát triển du lịch, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của một công trình kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa đặc biệt với lịch sử Việt Nam, đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho những người làm văn hóa cũng như du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa bảo tồn di sản thành nhà Hồ gắn với phát triển du lịch - ảnh 1


Bấm để nghe âm thanh:


 

Nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50 km về phía Tây Bắc, thành nhà Hồ là công trình kiến trúc độc đáo được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc. Thành nội được xây lên từ những khối đá lớn, biểu hiện của sự phát triển kỹ thuật kiến trúc và quy hoạch đô thị với trình độ cao của người Việt cách đây sáu thế kỷ. Những phiến đá to, nặng vài chục tấn được cắt gọt kỹ thuật và đưa lên độ cao hơn 10 m, lắp đặt tinh xảo trùng khít lên nhau theo hình mái vòm bằng phương tiện thủ công, đã làm cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế rất thán phục. Tại một cuộc hội thảo về bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ, nhiều ý kiến cho rằng phải bảo vệ đúng nguyên gốc, không được làm biến dạng diện mạo ban đầu của di tích, vì đây là nguyên tắc giữ nguyên giá trị vốn có của di sản theo Luật Di sản và các quy định của UNESCO. Ông Hồ Quang Sơn, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội di sản văn hóa Việt Nam tại Thanh Hóa, cho biết: tỉnh Thanh Hóa sẽ trưng bày hiện vật đã khảo cổ, sưu tập được ở nội thành và thu thập trong nhân dân phục vụ du khách tham quan:“Thanh Hóa vinh dự khi có một Di sản văn hóa thế giới. Chính vì vậy Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban ngành và các nhà đầu tư có một kế hoạch bảo tồn, quảng bá Thành nhà Hồ đến với du khách trong nước và nước ngoài."

Theo ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Sở đã, đang bổ sung, mở rộng, xây dựng quy hoạch tổng thể Thành nhà Hồ trên quy mô 5.000 ha; đồng thời tham mưu cho tỉnh nghiên cứu, khảo cứu không gian văn hóa Tây đô, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ, kết nối Thành nhà Hồ với các kinh đô cổ thông qua các hoạt động văn hóa, tour du lịch… Về phần mình, ông Phạm Văn Chấy, Nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho rằng đi đôi với việc bảo lưu những giá trị nổi bật toàn cầu của Thành nhà Hồ, cần phải nâng cao quảng bá du lịch và có những hành động thiết thực cải thiện, nâng cao chất lượng của cuộc sống nhân dân: “Từ khi thành nhà Hồ được công nhận là Di sản đến nay, nhân dân địa phương rất vui mừng và phấn khởi, rất từ hào là người dân của vùng di sản. Chính vì thế, mỗi người đều có ý thức bảo vệ, tôn tạo trùng tu di tích. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm đường xung quanh di sản cũng như làm tường bảo vệ.”

Thành Nhà Hồ đã là di sản văn hóa thế giới và cũng là tài nguyên du lịch ngoại hạng, vượt ra khỏi tầm quốc gia. Muốn phát huy được giá trị di sản, trước tiên phải có nhận thức đúng đắn ở cả chính quyền và người dân rằng việc phát huy giá trị của di sản tuyệt đối không được xung đột với việc bảo tồn di sản; đồng thời phải kết nối được với các điểm du lịch khác trong vùng và trong nước. Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết sau lễ đón Bằng di sản thế giới, lượng khách tham quan quần thể di tích Thành nhà Hồ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Cùng với đó, công tác giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá tiêu biểu độc đáo của Thành Nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế cũng được chú trọng nên ngày càng có nhiều đoàn khách đến thăm quan di sản. Ông Đỗ Quang Trọng cũng cho biết, trong thời gian tới, di tích Thành nhà Hồ sẽ tiếp tục được nghiên cứu sâu trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đưa Thành Nhà Hồ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ gắn kết các giá trị di sản với du lịch và đưa con đường di sản Thành nhà Hồ sống trong cộng đồng và tuyên truyên đến với mọi người, mọi vùng. Trung tâm và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa đang triển khai các kế hoạch theo đề án phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, vì Thành Nhà Hồ còn rất nhiều hiện vật còn nằm trong lòng đất cần nhiều thời gian để khám phá, vì vậy chúng tôi sẽ tập trung bảo tồn để phát huy các giá trị của di tích. Chúng tôi sẽ phục hồi lại Hào thành, với hệ thống cây xanh được trồng lại, tôn tạo cảnh quan…”

Được vinh danh đã khó, gìn giữ di sản sau vinh danh để giá trị của di sản đó thực sự tỏa sáng trong cộng đồng là một câu chuyện dài và khó hơn gấp bội. Với nỗ lực của chính quyền và người dân, cùng sự giúp đỡ của tổ chức UNESCO, Thành nhà Hồ sẽ không chỉ được bảo tồn đúng với nguyên trạng mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở xứ Thanh./.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác