(VOV5) - Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Đặng Hoàng Giang mang đến những câu chuyện dữ dội và đau đớn từ những người trẻ tuổi trên dưới 20,
Tọa đàm về cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức diễn ra vào sáng 13/6 tại Viện Pháp. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: tác giả, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang; tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu và biên tập viên Diệu Thủy.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: Báo Lao động thủ đô. |
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Đặng Hoàng Giang mang đến những câu chuyện dữ dội và đau đớn từ những người trẻ tuổi trên dưới 20, cái tuổi không còn trẻ con nhưng chưa thực sự trở thành người lớn. Đấy là giai đoạn quan trọng để họ trưởng thành về cảm xúc, phát triển khả năng suy ngẫm và định hình căn tính riêng. Trong quá trình này, họ phải chọn lựa, khám phá, thử-sai, họ cần sự thấu hiểu, hướng dẫn, đồng hành của người lớn, nhưng hóa ra có rất nhiều người trẻ phải tự loay hoay lớn lên với đầy những gánh nặng và tổn thương.
Những bức ảnh trong tác phẩm thể hiện trải nghiệm của Hạnh Thơ 22 tuổi và bạn bè đồng trang lứa. |
Vì chưa phải là một cá thể độc lập, dĩ nhiên gia đình chiếm phần tác động lớn nhất lên những đứa trẻ. “Tổ ấm yêu thương” là khái niệm xa lạ với những đứa trẻ trong cuốn sách này, trái lại đấy là nhà mồ hoang lạnh hoặc ngục tù ngạt thở, khiến họ chỉ muốn ở ngoài đường hay rúc vào một góc nào đó tìm kiếm sự bình yên. Thay vì được vỗ về, nhiều người trẻ phải chịu đựng gia đình theo những cách khác nhau. Họ…
… bị đánh đập bởi kỳ vọng điểm số, như Long:
“Tôi bị bố đánh nhiều tới mức cái đợt đi tập võ, mấy lão bảo thằng này chịu đòn tốt hơn người bình thường. Bố vừa say xỉn, vừa đánh, vừa gọi họ tên tôi, tới lúc tôi nằm rũ ra như sợi bún bị vắt kiệt. Đến giờ tôi vẫn giật mình sợ hãi mỗi khi nghe thấy ai gọi đầy đủ tên mình.”
… bị dựa dẫm, nương tựa, bị ép phải trưởng thành sớm. Cô bé Ngân tâm sự: “Tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi”. Mẹ Đan nói về cậu: “Từ nhỏ, Đan đã đứng ra dàn xếp chuyện trong gia đình”. “Nó là người đàn ông của tôi chứ không phải con tôi nữa.”
… bị bảo bọc đến mức mất cả bản thể. Trong khi xã hội nghĩ mẹ Đan là một người tân tiến, hiểu biết, luôn đồng hành cùng con, và bạn của Đan nói với cậu “Ước gì tao được làm con mẹ mày”, thì thực tế là:
“Trước khi tôi có một khái niệm mình là ai, mình muốn gì, mẹ đã tìm hiểu hết về việc học đại học, vẽ sẵn ra mọi thứ, một cách nhẹ nhàng, thân thiện. Bước đầu là chuyên ngành tiếng Anh này, rồi tới cái bằng Luật này. Khi bạn không biết mình nên đi con đường nào thì mọi con đường đều tốt, nhất là khi bạn có mẹ bên cạnh.”
… bị cầm tù bởi gánh nặng yêu thương và hy sinh, như Li:
“Tôi rất yêu má, nhưng trớ trêu thay, tôi cũng muốn chạy xa khỏi má và đã từng căm ghét má. Khi về lại Việt Nam, cảm giác chật chội cũng trở lại. Không, tôi không nói tới không gian sống, tôi nói tới cảm giác bị nghẹt thở bởi mối lo lắng, bởi tình yêu thương và sự quan tâm của má. Nhiều khi tôi thầm kêu lên, “Má ơi, yêu bọn con ít ít thôi! Sao mà cả vũ trụ của má, cả cuộc đời của má chỉ xoay xung quanh bọn con thôi???”
Nhìn vào bức tranh rộng lớn này, người ta nhận ra không chỉ ở những gia đình vỡ nát thì đứa trẻ mới gặp vấn đề, ngay cả trong những gia đình thành đạt và “có vẻ bình thường”, đáng buồn thay, lại cũng có thể tràn ứ không khí độc hại: cha mẹ đánh đập sỉ vả nhau, sỉ vả con cái, cư xử giả dối, gay gắt áp đặt, lãnh đạm thờ ơ… Những điều này nhiều khi là di chứng từ thế hệ ông bà hoặc xa hơn nữa. Vấn đề là thế giới người lớn thường tự tin vào sự “lớn” của mình, không chịu chấp nhận rằng mình cũng đầy bất ổn, để có khao khát chữa lành và được chữa lành.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho biết: Rất nhiều người trẻ hiện nay có một hệ giá trị đạo đức về tình yêu, tình dục, về tự do và những điều quan trọng trong cuộc sống rất khác với hệ giá trị của cha mẹ hay thầy cô giáo của họ. Đứt gãy, xung đột và đau khổ cho tất cả các bên sẽ xảy ra nếu cha mẹ và xã hội không có khả năng đối thoại bình đẳng, tôn trọng với người trẻ, và không hiểu được là thế giới đã thay đổi vượt ra ngoài sự hình dung của họ.
Trong gần hai năm, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã trò chuyện với nhiều nhân vật trên dưới hai mươi tuổi để biết về thế giới của họ, hiểu những nỗi niềm sâu kín họ mang và viết nên cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Tháng 1/2020, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã cho ra mắt cuốn sách này.
Sau khi ra mắt, cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đã truyền cảm hứng cho nhiều bài viết, video, tranh, ảnh minh họa rất thú vị và đầy sáng tạo.
Triển lãm các bức ảnh trong cuốn sách sẽ diễn ra từ ngày 12/06 đến ngày 25/06 tại tầng lửng, Viện Pháp tại Hà Nội, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.