Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”

(VOV5) - Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, số 34 phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội.

Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, số 34 phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội.

Triển lãm mở cửa từ tháng 9/2020 và kéo dài trong 6 tháng nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020). Đây là lần đầu tiên các tư liệu lưu trữ quốc gia về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy cùng những tư liệu quý của gia đình các tác giả được giới thiệu tới công chúng.

Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” - ảnh 1 Nghi thức khai trương triển lãm. Ảnh Ngọc Anh

Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa dân tộc. Đây là bộ 3 biểu tượng chính thức, thiêng liêng, thể hiện đầy đủ và súc tích về đất nước và con người, về cội nguồn, ý chí, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tại Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày lựa chọn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và một số tài liệu do gia đình họa sỹ Bùi Trang Chước, gia đình nhạc sỹ Văn Cao, Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, cá nhân cung cấp.

Chỉ 3 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định Quốc kỳ Việt Nam là Cờ đỏ Sao vàng. Đây là minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và lịch sử kiểm chứng gần 1 thế kỷ qua, đó là “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” - ảnh 2 Du khách và đại biểu xem triển lãm. Ảnh Ngọc Anh

Quốc ca Việt Nam là bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944. Bài hát mang âm hưởng thiêng liên, hào hùng, sôi nổi, đã cổ vũ tinh thần, lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân Việt Nam. Ngày 2/9/1945, bài Tiến quân ca vang lên trang trọng trong lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Quốc huy là biểu tượng chính thức và thiêng liêng của mỗi quốc gia, thể hiện quyền lực của Nhà nước. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc, 2 bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho nông nghiệp, ở dưới có nửa bánh xe răng tượng trưng cho công nghiệp và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họa sỹ Bùi Trang Chước (1915 - 1992) là tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam.

Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” - ảnh 3Triển lãm cũng thu hút khá nhiều du khách nước ngoài. Ảnh Ngọc Anh 

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, con gái của họa sĩ Bùi Trang Chước, cho biết: “Bố tôi đã sáng tác hơn 100 mẫu Quốc huy Việt Nam từ bản chì cho đến bản màu.  Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý là đất nước sẽ chuyển sang nền công nghiệp hiện đại thì bố tôi về suy nghĩ và vẽ hình bánh xe, tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Bố tôi sáng tác mẫu Quốc huy trong 2 năm. Biết bao nhiêu phác thảo mới ra được mẫu Quốc huy để chọn được 15 mẫu, sau đó chỉnh sửa được mẫu cuối cùng được Quốc hội thông qua. Bản gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III.”

Gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa dân tộc. Việc trưng bày những tư liệu quý này giúp nhân dân hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò của những tư liệu, hiện vật này trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác