Triển lãm “Tái chế”: Những giá trị khác của nghệ thuật

(VOV5) - Triển lãm gồm hơn 30 tác phẩm do các họa sĩ nhóm G39 và các bạn học viên nhí CLB vẽ Sắc Xuân cùng thực hiện.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhân kỷ niệm 14 năm hoạt động của Gallery 39 (2005-2019), vừa qua, tại 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương cùng nhóm G39 tổ chức triển lãm sắp đặt mang tên “Tái chế” và chương trình nghệ thuật ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận của mình.  

Triển lãm “Tái chế”: Những giá trị khác của nghệ thuật - ảnh 1Tác phẩm Mỹ nhân - X quang trên hộp đèn của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm. - Ảnh: G39

Gallery 39 quy tụ một nhóm mở khoảng 20 họa sĩ nhiều độ tuổi. Trong hơn chục năm hoạt động này, Gallery 39 đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện nhiều dự án nghệ thuật phục vụ cộng đồng, hướng tới phát triển nghệ thuật sâu rộng, bền vững ở Việt Nam: như triển lãm ở Hải Phòng, Hội An, triển lãm vẽ trực họa làng Cự Đà, triển lãm tranh bột mầu- báo cũ, triển lãm tôn vinh giấy dó, triển lãm tranh kết hợp nghề thủ công, ký họa chân dung vv…Các chương trình đã đưa nghệ thuật đến gần với công chúng, ở phạm vi rộng, lan tỏa hơn.

Triển lãm gồm hơn 30 tác phẩm do các họa sĩ nhóm G39 và các bạn học viên nhí CLB vẽ Sắc Xuân cùng thực hiện. Đó là những bức tranh vẽ bên trên hay bên trong, được tạo hình từ đủ các chất liệu như đàn guitar, vỏ chai rượu, hộp cigar, phim chụp X- quang, ván trượt, giấy bìa carton, túi vải bố, chai nhựa… Vốn là những vật liệu không còn hữu dụng, hoặc bị bỏ đi trở thành rác thải, nhưng dưới bàn tay sáng tạo của các nghệ sĩ và các bé, những vật liệu này đã được làm mới lại và trở nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức mới lạ, độc đáo, và hấp dẫn.

Triển lãm “Tái chế”: Những giá trị khác của nghệ thuật - ảnh 2"Đàn guitar sơn mài" của họa sỹ Nguyễn Hồng Phương. - Ảnh: G39 

Họa sĩ Lê Thiết Cương-người sáng lập nhóm G39 và điều hành Gallery 39 cho biết, cách đây 6 tháng khi họp bàn về việc tổ chức một triển lãm nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 14 của phòng tranh, có rất nhiều ý tưởng được đưa ra, nhưng cuối cùng các anh em họa sĩ đều thống nhất lấy ý tưởng tái chế: "Tái chế là một phong cách sống rất hiện đại ngày hôm nay ở trên thế giới, còn riêng VN thì cũng mới bắt đầu. Những đồ vật tưởng như là bỏ đi, nhưng qua con mắt nghệ thuật thổi cái đẹp vào đó thì nó sẽ có một đời sống mới, dài rộng hơn và nó khiến người ta phải nhớ rằng, trái đất này sẽ không còn nếu như nó không còn màu xanh. Sở dĩ chúng tôi tổ chức ở không gian rộng lớn này là vì chúng tôi muốn thông điệp sống xanh này nó lan tỏa trực tiếp đến cộng đồng."

Triển lãm “Tái chế”: Những giá trị khác của nghệ thuật - ảnh 3Tranh vẽ trên hộp cigar của Nguyễn Quang Thiều. - Ảnh: G39 

Hộp cigar trở thành một chiếc vali nhỏ đựng thơ và tranh, hộp rượu trở thành tác phẩm điêu khắc nhỏ xinh, chồng đĩa than sắp xếp khéo léo thành chiếc đồng hồ độc đáo, chiếc guitar trang trí sơn mài; rồi một chai rượu phố, một hộp trà thiền, một ống bút, cây cối và đại dương vv… đã mang đến những câu chuyện khác, những giá trị khác, của nghệ thuật và tái sinh.

Cũng là vỏ chai rượu bỏ đi, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của hai họa sĩ Bình Nhi và Nguyễn Minh nó đã trở thành những bức tranh rực rỡ sắc màu. Họa sĩ Bình Nhi chia sẻ: "Tôi là một họa sĩ trẻ, vào nghề chưa được lâu. Tôi cũng thử trải qua rất nhiều chất liệu: từ sơn mài, sơn dầu, lụa, tranh khắc gỗ…Sản phẩm tái chế có sự mới mẻ về không gian. Bởi khi vẽ các chất liệu trên thì trong không gian hai chiều trên giá vẽ, trong phòng vẽ. Còn đây mình đi nhặt, đi sưu tầm những sản phẩm đã bỏ đi, vẽ lại nó, đã là một không gian khác, một hoàn cảnh khác, nhiều khi là một gợi ý mới. Phải giữ lại sản phẩm tái chế ấy một phần, sau đó mới vẽ sáng tạo trên cái có sẵn, làm mới cái có sẵn, như vậy mới hay. Đương nhiên biến nó thành mới nhưng vẫn giữ được gốc để người xem nhận ra rằng sản phẩm ấy là tái chế nhưng nó có tiếng nói mới, có ý nghĩa hơn."

Như vậy, nghệ thuật không phải là lãnh địa xa vời, khó tiếp cận mà nghệ thuật cũng rất gần đời sống. Và người nghệ sĩ tái chế một chất liệu bằng nghệ thuật, cũng có nghĩa là tái chế chính mình, dưới một nhãn quan mới.

Triển lãm “Tái chế”: Những giá trị khác của nghệ thuật - ảnh 4Tác phẩm của một học viên nhí Câu lạc bộ Sắc Xuân. - Ảnh: G39  

Nếu như các họa sĩ nhóm G39 “tái chế” những vật dụng trong cuộc sống hàng ngày thành tác phẩm nghệ thuật, thì các họa sĩ “nhí” trong CLB Sắc Xuân lại tái chế từ những dụng cụ học tập gần gũi với đời sống học đường, như một đôi giầy cũ trở thành cuốn sổ ghi lưu bút học trò, chiếc ống nhòm và đồng hồ làm từ lõi giấy; hay như hộp đựng bút được tái chế từ lon cháo ăn liền của em Nguyễn Quốc Hùng, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Tả Thanh Oai-Hà Đông-Hà Nội,  lon nước ngọt trở thành lọ hoa của em Nguyễn Huy An, học sinh lớp 6, trường THCS Gia Thụy-Gia Lâm-Hà Nội.

Các em kể: "Cháu thấy mẹ cháu ăn cháo xong, mẹ cháu rửa thì cháu lấy để cháu vẽ, đầu tiên cháu tô nền, sau đó thì vẽ lên. Cháu vẽ bằng màu nước. Cháu muốn nhắn nhủ các bạn có ý thức bảo vệ môi trường." "Cháu thấy những chai côca bị vứt bỏ trên đường nên cháu đã nảy ra ý tưởng. Tác phẩm tên là Hoa hướng dương, nó có màu sắc hài hòa, màu xanh dương kết hợp với màng vàng nhạt. Qua tác phẩm cháu muốn nhắn nhủ rằng, các bạn trẻ ơi, các bạn hãy cùng chung tay bảo vệ trái đất."

Trong một xã hội bị bủa vây bởi công nghệ và tiêu dùng, ngày nay con người dễ bị cuốn theo tốc độ và sự thay đổi, người ta có xu hướng tìm về thiên nhiên, tìm đến thiền, chọn lối sống tối giản để cân bằng.

Và nói như họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật là một liệu pháp để cân bằng, để tái tạo cuộc sống. Nghệ thuật đồng thời thức tỉnh con người, nhân loại cần quan tâm hơn nữa đến những tác động của mình đối với môi trường nói riêng và sự sống nói chung: "Không chỉ dừng ở “Tái chế 1” là triển lãm tranh, mà có thể sau đây là tượng điêu khắc tái chế. Và không chỉ làm ở Hà Nội mà có thể làm ở những khu vui chơi công cộng, những bãi biển ở những thành phố lớn-thành phố du lịch như Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM. Để cho mọi người thấy rằng cái sống xanh không có gì quá cao siêu cả, mỗi người hãy tự nhủ với mình rằng hãy tự hạn chế dùng rác thải nhựa…"

Triển lãm kéo dài đến ngày 30/11 tại tầng 2 Laca Café, 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác