Bảo tồn và Phát triển văn hóa Chăm

(VOV5) -  Trong di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, văn hóa  Chăm có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, các giá trị văn hóa Chăm đang đứng trước nhiều thách thức.

Bảo tồn và Phát triển văn hóa Chăm - ảnh 1
Ảnh theo:cema.gov.vn

Nghe âm thanh tại đây:



Dấu ấn văn hóa dân tộc Chăm được thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ) và ở các lĩnh vực khác như: phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn...Trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều giá trị văn hóa, nhất là các áng văn chương, truyện cổ, kinh kệ nhất là hàng chục ngàn trang thư tịch cổ được viết bằng Akhar Thrah có từ thế kỷ thứ XVI...có nguy cơ bị mai một thất truyền. Để văn hóa Chăm tồn tại, phát triển chung cùng với nền văn hóa của các dân tộc anh em, cộng đồng người Chăm rất chú trọng công tác bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình, nhất là bảo tồn giữ gìn di sản chữ Chăm cổ. Bên cạnh đó là dạy chữ viết Chăm cổ, giúp giới trẻ hiểu lịch sử dân tộc và viết thành thạo chữ viết của dân tộc mình. Ông Thập Liên Trưởng, Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Việc dạy tiếng Chăm khác với tiếng Việt, đối với tiếng Việt thì chỉ có 1 âm tiết (đơn âm) nhưng đối với chữ viết Chăm thì rất nhiều âm tiết ( hay còn gọi là đa âm). Vì vậy, phải chọn lựa phương pháp nào có thể phù hợp với ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình để đưa vào giảng dạy".

Người Chăm cũng sáng tạo những giá trị âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra những nhạc cụ độc đáo  như : đàn Ka-nhi, trống Ba –ra -Nưng, kèn saranai, chiêng…Với từng nhạc cụ, người Chăm lại tạo ra những giá trị văn hóa âm nhạc đặc trưng, không thể nhầm lẫn với các dân tộc khác. Tuy nhiên, việc biểu diễn các nhạc cụ truyền thống Chăm hiện nay mới chỉ bó hẹp trong sinh hoạt cộng đồng thông qua các nghi lễ tôn giáo, ít khi được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc. Các ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm ngày nay ngày càng ít đi. Thạc sỹ Vũ Thị Kim Yến, Biên tập viên âm nhạc Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để những giá trị âm nhạc Chăm tồn tại, phát triển, đồng hành cùng cộng đồng Chăm phát triển bền vững trong tiến trình phát triển chung của đất nước, cần quan tâm một số giải pháp:"Đối với con em đồng bào Chăm, nên có chế độ ưu đãi nào đó để cho người nào có năng khiếu người ta đến học. Bản thân họ là người còn của dân tộc, kết hợp với những cái họ được đào tạo thì chắc chắn họ sẽ tạo ra những sản phẩm vừa hợp với lòng dân tộc vừa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, phù hợp với xu thế thời đại”
Gần đây các nhà nghiên cứu văn hoá cũng đề xuất ý kiến: nên đưa nhạc cụ truyền thống, dân ca Chăm vào sinh hoạt giải trí cả trong và ngoài cộng đồng. Các nghệ nhân, nghệ sỹ và các cơ quan chức năng nghiên cứu thu âm và phát hành trên thị trường những đĩa nhạc cổ truyền Chăm nhằm lưu giữ, quảng bá và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức của rất nhiều người quan tâm. Đồng thời, cũng cần quảng bá âm nhạc Chăm nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, báo chí…

        
Theo các nhà nghiên cứu, tìm hiểu khả năng thích nghi của cộng đồng Chăm Nam bộ để có một chiến lược duy trì, nghiên cứu làm rõ các đặc trưng văn hóa của người Chăm. Tiến sỹ Phú Văn Hẳn Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định: “Văn hoá Chăm ít thay đổi trong môi trường đa văn hóa ở Nam Bộ. Văn hóa người Chăm có đặc trưng chung là những yếu tố văn hóa Islam. Họ cũng rất đa dạng về loại hình văn hóa như : ngôn ngữ , âm nhạc, sinh hoạt cộng đồng mang dấu ấn vùng miền, vì vậy chúng ta cần trân trọng, bảo tồn;  có như vậy thì họ mới duy trì, gìn giữ văn hóa Chăm".

Những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu tại hội thả “Văn hoá đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững  đất nước” phần nào giúp các nhà quản lý văn hóa tại các địa phương có đồng bào Chăm hiểu thêm thực trạng về di sản văn hoá dân tộc Chăm trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến này cũng giúp cộng đồng người Chăm thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc mình, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác