Sức sống của ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng

 (VOV5)- Nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” chỉ hai ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/04/1975). Hợp với lòng người, được nhân dân cả nước đón nhận cho nên sức lan tỏa của bài hát vượt cả thời gian và không gian.

 Sức sống của ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng - ảnh 1
Nhạc sĩ Phạm Tuyên giới thiệu bìa cuốn nhạc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"


Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. 30 năm dân chủ cộng hòa kháng đã thành công. Việt Nam Hồ Chí Minh…” Lời bài hát chỉ vẹn vẹn 58 từ nhưng đã nói lên tất cả những điều mà người dân Việt Nam giai đoạn đó mong muốn: độc lập, hòa bình, thống nhất. Nhịp điệu bài hát là nhịp đập của triệu, triệu trái tim Việt Nam, khát khao chiến thắng vươn lên trong hòa bình.


37 năm đã trôi qua nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn không sao quên được giây phút xuất thần khiến ông cầm bút viết một mạch bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”: “Đêm 28/4, tôi nghe qua Đài TNVN báo tin có một phi công ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, sau này mới biết đó là anh hùng Nguyễn Thành Trung. Tôi giật mình vì đến Tân Sơn Nhất tức là đến Sài Gòn. Mà đến Sài Gòn thì chỉ ngày mai hoặc ngày kia là giải phóng thôi. Tôi nghĩ nếu ngày mai giải phóng thì cả nước đổ ra đường, người người đổ ra đường để hát, chắc là lúc đó không ai ngồi ở nhà nghe hợp xướng mà cần một tiếng reo vui và tôi đã viết. 11h30 đêm tôi viết xong bài đó, không sửa một chữ, một lời nào cả. Coi như tôi đã trả một món nợ tinh thần về tình cảm đối với những đòi hỏi về nghệ thuật của đất nước”.

 

Đầu tháng 4/1975,  quân giải phóng tổng tấn công vào Sài Gòn, lúc đó nhạc sĩ Phạm Tuyên đang công tác tại Đài TNVN. Ông Trần Lâm, Tổng biên tập Đài TNVN giai đoạn đó luôn nhắc nhở những người làm âm nhạc phải cho ra đời những tác phẩm xứng đáng với chiến thắng sắp tới. Và hàng đêm khi nghe tin tức thời sự qua làn sóng của Đài, nhạc sĩ lại cặm cụ phác thảo một bản giao hưởng 4 chương để cho ngày đại thắng. Nhưng mỗi lần ngồi vào đàn thấy nó lý trí và xuất phát từ yêu cầu về mặt nội dung chứ không phải là tình cảm. Và rồi khúc nhạc reo vui mừng chiến thắng cũng đã đến: “Thế hệ chúng tôi vẫn nhớ câu nói của Bác Hồ: Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân này vui hơn. Đây đúng là mùa xuân vui rồi nên phải có tiếng reo vui. Tiếng reo vui được tôi bắt đầu bằng điệp khúc VN- HCM, nhắc đi nhắc lại. sau tôi viết đoạn đầu, lúc đó Bác đã mất rồi nên tôi viết Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Tôi nhắc đến mốc lịch sử từ năm 45-75, tức là 30 năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông. Dưới chế độ gì- 30 năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Đấy là những mốc lịch sử không chỉ riêng cá nhân tôi mà trong lòng mỗi người Việt Nam đều nhớ tới.”

 

Đúng như dự đoán của nhạc sĩ, 11h30 trưa ngày 30/4, Việt Nam hoàn toàn độc lập, dân tộc Việt Nam hoàn toàn tự do, Bắc Nam liền một dải. Và bài hát ngay lập tức được thu thanh để phát cùng với tin chiến thắng vào 17h chiều cùng ngày. Đó là buổi thu thanh cảm động nhất trong đời nhạc sĩ Phạm Tuyên. “Mới 1h đoàn ca nhạc đã tập trung để tập tành thu bài hát đó. Tôi đã dự rất nhiều cuộc thu thanh nhưng chưa có cuộc thu thanh nào lại cảm động như vậy, cả người hát, người đàn, người chỉ huy đều khóc. Chỉ huy lúc đó là anh Cao Việt Bách còn lĩnh xướng là anh Đặng Hùng và chị Tuyết Thanh và hợp ca toàn đoàn của đài. Lúc phát lên bài đó thì tất cả đều nói là chỉ cần bài này thôi và chạy lại bắt tay hỏi tôi có nên sửa sang gì không. Tôi bảo chưa bao giờ có cảm giác dự một bài hát hình như nó có từ trước. nếu tôi không viết thì cũng sẽ có người khác viết như thế, cảm giác rất lạ lùng. Tôi bảo không cần sửa sang gì cả. lần đầu tiên tôi nghe bài này tôi thấy nó như tình cảm của mình.”

 

Bài hát bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui do ông Cao Việt Bách chỉ huy, ông Đặng Hùng và bà Tuyết Thanh lĩnh xướng được phát lên cũng là khi hàng triệu người không ai bảo ai đổ xuống đường phất cờ, đánh trống, vỗ tay hát theo. Và cái buổi thu thanh đó cũng không sao quên được trọng lòng nghệ sĩ ưu tú Tuyết Thanh: “Mọi người hát với tình cảm vừa là vui, vừa là mừng, vừa là rơi lệ. Chắc chắn có một ngày gặp lại người thân, có người còn, người mất. Lúc thu thanh cảm động lắm. Bản thân tôi cảm thấy mình hát chưa được chuẩn, giọng rất run nhưng vẫn phải thể hiện tốt bài hát đó. Hát xong phát sóng luôn, anh em vui lắm, ôm nhau khóc. Bản thân xúc động lắm. Âm nhạc trên đài mang tính chiến đấu, là vũ khí sắc bén để đánh vào quân thù.”

Sức sống của ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng - ảnh 2
NSUT Tuyết Thanh

Điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh, ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa , ba mươi năm kháng chiến thành công” vang lên ròn rã trên làn sóng của Đài TNVN suốt cả tuần sau ngày giải phóng.  Bộ đội hát, nhân dân hát… đâu đâu cũng được nghe, rồi được tập, được hát theo Đài một cách hứng khởi. Sức sống của bài hát đã vượt quá tưởng tượng của tác giả. Và đúng ngày 28/4,  nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận được một món quà bất ngờ từ một người bạn Mỹ, cô Molly: “Cô ấy rất thích nhạc của tôi đặc biệt là bài Như có Bác trong ngày đại thắng. Cô tặng tôi tấm pano vẽ ảnh ngày chiến thắng 30/4 có tên Như có Bác trong ngày đại thắng. có lời dịch tiếng Anh do bạn người Mỹ in ra. Tôi cho đấy là phần thưởng, món quà có ý nghĩa đối với bản thân tôi. 37 năm bài hát ra đời vẫn được nhắc đến đấy là phần thưởng của người chiến thắng."

 Sức sống của ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng - ảnh 3
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với tấm pano ý nghĩa

37 năm sau khi bài hát ra đời, hôm nay, cầm tấm pano in ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, lá cờ đỏ sao vàng cùng dòng chữ tiếng Việt và tiếng Anh “Như có Bác trong ngày vui đại Thắng”, đôi mắt của người nhạc sĩ già nhòa đi vì hạnh phúc. Bài hát tuy ngắn nhưng có sức nặng trong lòng mỗi người dân đất Việt và cũng là thông điệp chiến thắng của thời đại Hồ Chí Minh gửi tới bạn bè quốc tế./.

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác