(VOV5) - Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo.
Hơn 4.600.000 (bốn triệu sáu trăm ngàn) tín đồ Phật giáo ở Việt Nam vừa đón Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565 – Dương lịch 2021 ở mọi miền đất nước theo hình thức trực tuyến. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Đại lễ Phật đản vẫn được tổ chức trang trọng, minh chứng cho thấy quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam luôn được đảm bảo, ở mọi lúc, mọi nơi. Trên thực tế từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đóng góp vào bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo trên toàn cầu.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc thông điệp Phật đản 2021 - Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm tốt trên thực tế. Nếu không có dịch bệnh Covid 19, hằng năm sẽ có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Các nghi lễ tôn giáo lớn được tổ chức trọng thể với sự tham dự của hàng trăm nghìn lượt người. Hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân và tổ chức tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, ngoài ra còn có hàng nghìn điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung được chính quyền cấp đăng ký hoạt động. Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo.
Tính đến nay, hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng được thực hiện theo đúng pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ hoạt động tôn giáo. Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được bảo đảm tốt...
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa Kỳ, EU, bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Cùng với đó, Việt Nam đã chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam cho đoàn nghị sĩ, quan chức chính phủ các nước vào Việt Nam làm việc, đại sứ quán các nước tại Hà Nội; thành lập các đoàn công tác tới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn giáo. Việt Nam cũng đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với các nước ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền, đối ngoại về chủ trương, chính sách, thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời phản bác những thông tin sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Do những thành tựu này, năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ không còn lý do để đưa Việt Nam vào CPC và “Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt-SWL”.
Các hoà thượng và chư tôn đức thực hiện nghi thức Tắm Phật - Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới cực đoan, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động đối thoại nhân quyền, ngoại giao nhân dân, qua đó giúp cộng đồng quốc tế có những đánh giá đúng về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Song song đó, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực, chủ động thông tin về tình hình tôn giáo tại Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ, đồng thời phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tôn giáo; tiếp tục hỗ trợ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; định hướng các hoạt động tôn giáo theo đúng thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và quy định của pháp luật.
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.