Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 11/8/2021 đã dự Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong bài phát biểu tại phiên họp có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt" để triển khai các nhiệm vụ của đất nước, của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm có 3 bộ phận: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tổng Bí thư tập trung nói riêng về Chính phủ, với các nguyên tắc, nội dung, cơ chế hoạt động, đặt trong mối quan hệ tổng thể của các cơ quan nhà nước, của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam nhằm mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Tổng Bí thư, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, quyết định chỉ đạo của Trung ương trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn trước và gay gắt hơn so với dự báo. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV đã đề ra, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới. Tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý các vấn đề sau đây:
Một là, về phát triển kinh tế: Mô hình kinh tế mà Việt Nam xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Theo đó, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, về phát triển văn hoá, xã hội: Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Theo đó, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội đều phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Bốn là, về xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ: Đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác này, thực hiện nghiêm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, làm vẻ vang cho Dân tộc, cho giống nòi.