(VOV5) - Trong bối cảnh dịch bệnh, người nghèo, ở Việt Nam cũng như ở mọi nơi trên thế giới, càng bị tác động dữ dội.
Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2021 đang diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề đến người nghèo, hộ gia đình khó khăn khiến nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Hoạt động và chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng vì thế mà cũng thay đổi phù hợp với thực tế, ngày càng đa dạng, không chỉ hỗ trợ khẩn cấp mà còn hướng tới hỗ trợ sinh kế, việc làm, ưu đãi vay vốn để người nghèo thoát nghèo bền vững.
Trong bối cảnh dịch bệnh, người nghèo, ở Việt Nam cũng như ở mọi nơi trên thế giới, càng bị tác động dữ dội. Những hộ cận nghèo không có tích lũy vì thế càng khó tránh khỏi nguy cơ tái nghèo trở lại. Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời ở Việt Nam đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 08 năm 2021.
Nhiều người nghèo được nhận nhà mới từ quỹ hỗ trợ của MTTQ Việt Nam TP HCM và các doanh nghiệp tài trợ. Ảnh: VOV |
Để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, đặc biệt là những người nghèo, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ lên tới 26.000 tỷ đồng hay mới đây là gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính quyền các tỉnh, thành phố cũng trích ngân sách địa phương có nhiều gói hỗ trợ người dân để vượt qua khó khăn. Các tổ chức xã hội đều có các hoạt động thiết thực hỗ trợ những người khó khăn, yếu thế, người lao động tại các khu nhà trọ bị mất việc làm.
Bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp, các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo dài hơi hơn cũng đang được các cơ quan chức năng triển khai. Theo đó, Ngân hàng chính sách xã hội đã xây dựng kế hoạch giảm 10% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách với con số dự kiến là hơn 432 tỷ đồng cho khoảng 6,4 triệu đối tượng. Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan cũng đề xuất gói hỗ trợ 3.500 tỷ để mang máy tính đến với học sinh, sinh viên nghèo... Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ người nghèo đang ngày càng đa dạng để phù hợp với tình hình khó khăn do COVID-19. Báo cáo nhanh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 14/10, cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tổng kinh phí gần 21,89 nghìn tỷ đồng.
Những phần quà là nhu yếu phẩm thiết yếu được trao tận tay những người gặp khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: VOV
|
Không chỉ có sự vào cuộc của Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm đảm bảo cho người dân, nhất là những hộ nghèo vượt qua thời điểm khó khăn. Tại Hà Nội, tính đến đầu tháng 10, các cơ quan chức năng đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng. Số người thụ hưởng các chính sách là gần 289.000 người, hộ kinh doanh. Kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ là gần 300 tỷ đồng.
Từ nguồn lực vận động xã hội hóa, toàn thành phố đã giúp đỡ, hỗ trợ cho gần 1,06 triệu lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền hơn 304 tỷ đồng.Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, chính quyền đang triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh vừa trao tặng 30 phương tiện làm ăn, phương tiện sinh hoạt cho người khuyết tật, người nghèo.
Các chính sách hướng về những trường hợp yếu thế trong xã hội, nhất là người nghèo, không chỉ trong thời điểm đại dịch COVID-19, vốn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong nhiều thập niên. Hai năm gần đây, dù gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó chú trọng tới người nghèo. Sự giúp đỡ đó càng mạnh mẽ hơn khi mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75 nghìn tỷ đồng. Đối tượng của chương trình này bao gồm người nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó có những người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, người nghèo ở nông thôn và thành thị.
Đặc biệt, với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp xóa đói giảm nghèo; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch COVID-19. Chính phủ cũng tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay là một thách thức lớn, có tác động không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội. Những hoạt động trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” bắt đầu từ 17/10/2021 đến 18/11/2021 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, sẽ hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19, tiếp tục làm phong phú thêm truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.