(VOV5) - Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng minh rằng thu hút và trọng dụng người có đức, có tài đã trở thành quốc sách, thành đạo đức và quan niệm sống của người Việt.
Cứ mỗi dịp Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch lại rêu rao, xuyên tạc rằng việc lựa chọn cán bộ vào các vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước chỉ mang tính hình thức, Đại hội thực chất chỉ là việc củng cố, thâu tóm quyền lực của một số lãnh đạo... Đây là luận điệu xuyên tạc về công tác tổ chức cán bộ của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trên thực tế, lựa chọn trọng dụng người có đức, có tài luôn là chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng người tài không đúng, công việc sẽ không chạy, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. - Ảnh: Bác Hồ trò chuyện với các trí thức. Ảnh tư liệu. |
Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng minh rằng thu hút và trọng dụng người có đức, có tài đã trở thành quốc sách, thành đạo đức và quan niệm sống của người Việt. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó chính là khâu "then chốt của nhiệm vụ then chốt". Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác này.
Ngày càng hoàn thiện chính sách về công tác cán bộ
Văn kiện Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng nêu chủ trương rất mới và tích cực trong việc lựa chọn, bố trí người tài, đức vào các vị trí lãnh đạo. Tiếp đó, Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Bộ Chính trị khóa XII thì ban hành Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII nêu việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đảng cộng sản Việt Nam còn có các Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Đặc biệt, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 là nghị quyết quan trọng và cấp thiết trong xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về công tác cán bộ này thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của Đảng, Nhà nước nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ; góp phần lựa chọn cán bộ và thu hút người có đức, tài vào hệ thống chính trị của Việt Nam.
Đại hội là dịp sàng lọc để lựa chọn đội ngũ cán bộ xứng đáng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ chiến lược các cấp của Việt Nam đã trưởng thành mọi mặt, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Việc lựa chọn, bầu vào các vị trí quan trọng của hệ thống chính trị đã được đổi mới, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, có sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Trong công tác cán bộ, việc chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương luôn đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo của cán bộ và tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các tiêu cực.
Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của Đảng cộng sản Việt Nam đang được thực hiện trên cơ sở phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, trước hết là người đứng đầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”. Công tác nhân sự của Đại hội được thực hiện đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; cán bộ phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thực tế rõ ràng này đáp trả mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và thêm một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn đất nước hội nhập hiện nay.