Có một con đường trên cao song hành cùng đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đó là làn sóng Đài TNVN. Trong suốt 16 năm kể từ khi mở đường Hồ Chí Minh vào ngày 19/5/1959 đến đến khi kết thúc chiến tranh vào 30/4/1975, Đài TNVN đã đồng hành cùng quân dân cả nước, góp phần làm lên chiến thắng lịch sử, thống nhất đất nước. Những kỷ niệm “một thời đáng sống” nơi chiến trường Trường Sơn của những phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ Đài TNVN trong hồi ức.
Đường Trường Sơn (Ảnh tư liệu)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa biết mình”.
Mở đầu câu chuyện, nhà báo Lê Thông đã đọc 2 câu thơ ấy của nhà thơ Phạm Tiến Duật để nói về đường Trường Sơn. Năm 1972, ông vào Trường Sơn Đông khi đó, đường mới được mở thêm nhiều nhánh. Trường Sơn được ông cảm nhận ở 2 góc độ: không gian mạnh mẽ, sôi nổi bừng bừng khí thế và sự gian khổ, chịu đựng và ý chí gang thép.
Ở nơi ác liệt nhất ấy, niềm cổ vũ, động viên tinh thần cho chiến sĩ nơi đây, chính là tin tức từ hậu phương, tiền tuyến, những lời ca, tiếng hát…Và điều đó chỉ có thể có được thông qua làn sóng của Đài TNVN. Nhà báo Lê Thông cũng chia sẻ một câu chuyện khó quên. Đó là câu chuyện về một anh thanh niên xung phong luôn mang bên mình chiếc radio. Khi đó, giặc Mỹ bắn phá ác liệt, anh tham gia mở đường ban đêm và hy sinh cùng nhiều đồng đội. Mọi người tỏa đi tìm nhưng không thấy, không biết anh bị vùi lấp chỗ nào. Đến sáng hôm sau, đồng đội đã tìm thấy anh bởi nghe được tiếng nói của Đài TNVN phát ra từ chiếc radio, nơi anh bị vùi lấp. Anh hy sinh nhưng chiếc đài vẫn còn.
Nhà báo Lê Thông
|
Suốt 3 năm sống ở Trường Sơn Đông, ông đã chứng kiến biết bao câu chuyện hào hùng và bi tráng, và ông đã viết và gửi về phát sóng trên Đài TNVN để cổ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ. Ông kể: “Chiếc đài là người bạn tâm tình cũng như người chỉ huy giúp mình nhận thức được tất cả các vấn đề, làm cho cuộc sống vui vẻ hơn vì tiếng hát, tiếng nhạc. Nhiều anh em, chiến sĩ biết tôi là phóng viên Đài TNVN thì hỏi rất nhiều chuyện, có những câu chuyện khiến người ta thú vị, kể cả những câu chuyện về cuộc sống của các văn nghệ sĩ của Đài, họ rất để ý và rất thích. Thế thì những câu chuyện của Đài TNVN mà mình kể cho họ lại một lần nữa giúp họ hình dung được nhiều hơn về Đài TNVN”.
Những tin tức từ chiến trường được phóng viên Đài TNVN chuyển về và ngay lập tức được biên tập và thể hiện qua giọng đọc của các phát thanh viên như Nguyễn Thơ, Việt Khoa, Minh Đạo, Hà Phương, Kiên Cường, Hoàng Yến, Kim Cúc..., những giọng đọc để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe, nhất là các chiến sĩ nơi chiến trường. Phát thanh viên Kiên Cường, giọng chính luận thuộc thế hệ Vàng phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những giọng đọc in dấu trong ký ức của hàng triệu bạn nghe Đài chia sẻ: “Trước giờ vào đọc, tôi cũng không lên giây cót gì cả. Mình vào phòng thu chỉ mình với micro, không ai giúp được mình lúc đó nên cứ thuận theo tự nhiên. Khi tôi được giao đọc những bài “ đinh” của Đài TNVN cũng có cái vinh dự. Mình biết bài này bình luận cốt lõi là cái gì mà để người ta nghe xúc động đến như thế”.
Nhà báo Trần Đức Nuôi
|
Theo nhà báo Trần Đức Nuôi, cán bộ, phóng viên của Đài TNVN là những người đã có những bước chân sớm nhất trên đường Hồ Chí Minh. Đoàn đầu tiên gồm 4 người do ông Vũ Đường làm Trưởng đoàn, đã đi trên con đường ấy vào đến tận miền Đông Nam Bộ. Tiếp bước người đi trước, nhà báo Trần Đức Nuôi đã lên đường vào A Sầu, A Lưới, miền Tây Thừa Thiên Huế vào tháng 10/1974, nơi chiến trường ác liệt nhất. Dù chỉ đi trên đoạn đường vài trăm cây số nhà báo Trần Đức Nuôi cũng hình dung được phần nào sự gian nan, vất vả của những người công binh khai phá những con đường vô cùng lớn và vĩ đại. Song song với đường Hồ Chí Minh còn có con đường xăng dầu dài trên 1400 cây số; con đường bằng hữu tuyến và vô tuyến dài hàng trăm nghìn cây số để bảo đảm thông tin liên lạc và con đường giao liên hàng nghìn cây số. Một con đường nữa chỉ có người nhà Đài mới nhận ra, đó là con đường của làn sóng phát thanh, song hành với con đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh.
“Có lẽ đó là phương tiện thông tin gần như duy nhất lúc đó. Báo in thì hàng tháng mới vào được và rất khó tiếp nhận. Nhưng Đài TNVN và Đài phát thanh Giải phóng là 2 nơi cung cấp thông tin và những người ra trận không thể không có thông tin giống như một khẩu phần trong cuộc sống. Đó là một nguồn động viên, thực sự khi mọi người ra trận, mệt ngoài rồi và cái chết ngay kề cận nhưng mở Đài ra, nghe được tiếng hát, bản nhạc, nghe được tiếng nói, thế là người tự nhiên thấy khỏe ra” - nhà báo Trần Đức Nuôi nhớ lại.
Với nhiệm vụ cổ vũ, động viên tinh thần đối với cuộc kháng chiến, nhiều ca sỹ, nhạc sĩ của Đài TNVN đã có những chuyến đi vào Trường Sơn biểu diễn cho bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Những bài hát được trình bày nhiều nhất như: “Lá đỏ”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Nổi lửa lên em”, hay “Chiếc nón bài thơ”, “Bài ca Hà Nội”, “Làng quan họ quê tôi”…vang lên, có sức lay động lòng người và mang đầy lạc quan chiến thắng. Họ đã đi, đã viết và chuyển ngay về Đài TNVN để thu thanh, phát sóng.
Năm 1974, NSND Thanh Hoa khi đó còn rất trẻ, đã theo Đoàn văn công vào Trường Sơn. Có những quãng đường dài phải đi bộ, tận mắt nhìn thấy thanh niên xung phong, bộ đội làm đường. Dù gian lao, vất vả, đối mặt với cái chết nhưng họ luôn lạc quan, vui vẻ trong làn mưa bom, bão đạn bởi ai cũng có khát khao hòa bình, khát khao chiến thắng. Bởi vậy, NSND Thanh Hoa đã hát hết mình bằng cả con tim, hát những bài đầy sôi nổi, nhiệt huyết để cổ vũ, động viên tinh thần cho tất cả mọi người. Khoảng thời gian ở Trường Sơn, chị đã sống hát giữa sự sống và cái chết trong đạn bom, nhưng hạnh phúc vô cùng.
NSND Thanh Hoa
|
NSND Thanh Hoa hồi tưởng: “Đúng là khi bước chân đến Trường Sơn thì đều không nghĩ rằng mình đi để lập công hay mang lại vinh quang, vẻ vang sau này cho con cháu. Lúc đó chỉ nghĩ rằng chúng ta có thể làm được điều gì, kể cả hy sinh, miễn là để thống nhất đất nước. Cả một con đường vĩ đại, bởi tất cả những hy sinh, vĩ đại của bao nhiêu con người cộng vào, khát vọng sống, khát vọng hòa bình của bao nhiêu con người cộng lại để tạo ra con đường lịch sử mà đến bây giờ, tất cả chúng ta đều muốn một lần nhìn thấy, đó là những đau thương mất mát nhưng đầy tự hào của người Việt Nam”.
Nhà ngoại giao, nhà báo Lý Văn Sáu từng nói rằng, “có một con đường Hồ Chí Minh bằng sóng điện tử. Làn sóng Đài TNVN là con đường trên cao trong đại lộ Hồ Chí Minh đi từ Bắc vào Nam, con đường truyền tải thông tin, truyền tải cảm xúc cho mọi người trên đường ra trận, con đường kết nối trái tim, tình yêu và niềm tin vào chiến thắng."