Đài phát thanh - như một tình yêu thủy chung

VOV5 - Ngót nửa thế kỷ, trong những hoài niệm ký ức về tuổi thơ của tôi ở Hà Nội, có lẽ gắn bó nhiều nhất, mang nhiều dấu ấn nhất và ảnh hưởng đến đam mê sở thích và nghề nghiệp tương lai, chính là những chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Và cho đến nay, khi truyền thông thuộc vào thời đại công nghệ, đa phương tiện, với nhiều lựa chọn, thì Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn như một sự vương vấn không thể xa, dù có lúc tưởng chừng đã để vào kỷ niệm.

Ngày ấy, thời chiến tranh chống Mỹ, ba tôi vào Nam chiến đấu, mẹ là viên chức Nhà nước, lại là tự vệ cơ quan, nên ngoài giờ đến trường thì cái đài truyền thanh gắn trên tường (khi ấy nhà nào cũng có một cái), là người bạn thân thiết của tôi, cho dù có những chương trình phát thanh “vượt tầm” hiểu biết của một đứa trẻ, tuổi nhi đồng.

Đài phát thanh - như một tình yêu thủy chung - ảnh 1

Nhưng có lẽ những đứa trẻ thời chiến như tôi hồi ấy, đều có thể cảm nhận được rất nhiều những gì được nghe qua sóng truyền thanh. Đặc biệt, như một lớp học thứ hai, những chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, ngoài thông tin thời sự, thì nó đã truyền đến tâm hồn trẻ thơ của tôi biết bao vẻ đẹp của nghệ thuật, nuôi dưỡng cho tôi những đam mê, sở thích trong tương lai ngay từ nhỏ với nhiều mơ ước đẹp…

Những chương trình như: Đọc truyện đêm khuya vào 22 giờ hàng đêm, Buổi phát thanh văn nghệ, Trang văn nghệ chủ nhật, Buổi phát thanh văn nghệ: tiết mục Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam, Chương trình nhạc thính phòng vào 16 giờ ngày chủ nhật…

Buổi phát thanh Vì an ninh Tổ quốc: Tiết mục Kể chuyện cảnh giác vào tối thứ bảy hàng tuần … Và thi thoảng còn được nghe tường thuật bóng đá…

Thơ ca, văn chương, âm nhạc, sân khấu… , qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho cuộc sống tinh thần tuổi thơ của tôi trở nên phong phú, như sở hữu một khu vườn cổ tích lãng mạn và không kém phần thú vị để khám phá vào thời ấy, khi trẻ nhỏ Hà Nội ít có gì để chơi, để giải trí.

Tôi như trôi êm đềm trong áng văn đẹp qua  những truyện đọc đêm khuya, bềnh bồng mơ từ những dòng thơ qua giọng ngâm của các cô Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết… Tôi như lạc vào xứ sở tuyết trắng của Bà Chúa Tuyết, của những con thiên nga, của mùa thu vàng… qua những bản sonata, giao hưởng, nhạc kịch của Beethoven, Mozar, Traicopxky...

Có lúc tôi lại như thấy mình đang ở giữa một đám hội mùa xuân có cô Tấm, có chàng Thạch Sanh, có những vị vua từ Đinh- Lý- Trần- Lê… qua những vở kịch, chèo cổ, những làn điệu dân ca…

Lại nhớ, câu chuyện cảnh giác hồi đó, mang sức hấp dẫn khó tả, không tối thứ bảy nào không nghe, và đã từng nghĩ mai này lớn lên làm chú công an đi bắt kẻ gian, bắt gián điệp…

Nhưng có lúc, khi nghe tường thuật bóng đá, lại mơ làm một cầu thủ bóng đá như anh Ba Đẻn (Thế Anh)- Đội Thể Công, một chân sút vàng, một anh hùng tung hoành dọc ngang trên sân cỏ, khuynh đảo khung thành đối phương.

Giống như một giấc mơ không phai trong ký ức, tôi nhớ kỷ niệm lần đầu tiên được cùng các bạn trong đội kịch của Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội (sau này là Cung Thiếu nhi Hà Nội) vào Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm chương trình kịch truyền thanh thiếu nhi, vở kịch “Em bé đánh giầy”, nói về tấm gương của các em bé miền Nam mưu trí, dũng cảm góp sức với Quân Giải phóng đánh giặc ngoại xâm….

Sau khi thu xong, chúng tôi được đãi một chầu kem que Tràng Tiền, mỗi đứa được ăn 2 que, và còn được mang về một gói kẹo Hải Châu. Món quà mà không phải trẻ nhỏ nào hồi ấy muốn là có. Và tôi đã đãi các bạn hàng xóm một cách hào phóng trong niềm vui rất trẻ con.

Kể từ đó, mỗi lần được báo chuẩn bị đi thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, là lại háo hức, vui đến không ngủ từ đêm trước. Và khi thu xong, lại hồi hộp đợi buổi phát sóng. Tôi nhớ khi Đài phát sóng, đã rủ gần hết bạn nhỏ hàng xóm, tập trung nghe, và cảm thấy tự hào lắm khi “được lên đóng kịch trên Đài”. Bọn trẻ hàng xóm nhìn tôi ngưỡng mộ.

Đài phát thanh - như một tình yêu thủy chung - ảnh 2
Các em thiếu nhi CLB Sơn Ca, Đài TNVN

Có lẽ không tuổi thơ Hà Nội nào như chúng tôi, những đứa trẻ thời chiến, đã biết nghe thời sự mỗi ngày qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Mẹ con tôi thích nghe Chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân. Có lẽ vì ba tôi vào Nam chiến đấu còn mẹ tôi là một người miền Nam tập kết.

Mỗi ngày, khi nhạc hiệu bài Vì nhân dân quên mình vang lên, thì tôi và mẹ đều lắng tai nghe, để biết hôm nay quân và dân ta đã chiến thắng ở đâu, đã tiêu diệt bao nhiêu kẻ địch, đã giải phóng được vùng đất nào trong miền Nam…

Tôi còn nhớ, ở nhà có một bản đồ Việt Nam dán trên tường, ngay dưới cái đài truyền thanh. Vào tháng 4/1975, mẹ mỗi ngày nghe đài là lấy cây viết đánh dấu một vị trí trên bản đồ, mẹ nói: Ba con sắp về giải phóng quê mẹ Kiên Giang- Rạch Giá. 

Và 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông tin: Sài Gòn giải phóng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng… cả Hà Nội đổ xuống đường hò reo trong nước mắt, nụ cười. Và cũng chớp nhoáng ngay chiều hôm ấy, cả Hà Nội qua Đài phát thanh không ai không thuộc ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Gần nửa thế kỷ qua, tôi trở thành nhà báo, nhà văn, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhưng dấu ấn Đài Tiếng nói Việt Nam có lẽ sâu đậm nhất. Đi công tác những vùng sâu vùng xa, khi truyền hình ở nơi đó là xa xỉ, các loại phương tiện truyền thông khác đều bị “vô hiệu”, thì cái đài - radio bé xíu, đã là một trợ thủ đắc lực để nắm biết thông tin toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam.


Đài phát thanh - như một tình yêu thủy chung - ảnh 3

Nhà văn, nhà báo Hoài Hương. Ảnh: Mỹ Trà

Cũng có thể là cái duyên từ thuở nhỏ, tôi cũng dần trở thành một cộng tác viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ trang Văn nghệ, có thơ được phát sóng, có truyện được chuyển thể thành Kịch sân khấu truyền thanh. Có thời gian tôi là cộng tác viên thường xuyên của chuyên mục phóng sự phát thanh Việt Nam - Đất nước - Con người trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho đồng bào xa Tổ quốc.

Cũng đã có thời gian tưởng chừng sẽ xa, sẽ như một kỷ niệm, sẽ là một mối tình xưa chỉ là tương tư…,  nhưng như có sợi tơ hồng nối duyên không thể đứt, tôi với Đài Tiếng nói Việt Nam cứ gắn với nhau như một tình yêu thủy chung.

Phản hồi

Các tin/bài khác