Ông Huỳnh Ngọc Ấn - nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã từ trần vào hồi 5h41 phút ngày 23/8/2018 (tức ngày 13 tháng 7 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 84 tuổi. Trong ký ức của các thế cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là người "anh cả" trong công tác chuyên môn và cuộc sống.
Dành trọn tâm huyết cho Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam
Ông Huỳnh Ngọc Ấn sớm đi theo Cách mạng, tham gia đội du kích và được bầu vào Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc xã Tịnh Khê, từ năm 1952. Năm 1954, ông vào Thanh niên Xung phong Liên khu 5. Tháng 10/1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia lực lượng thanh niên xung phong tiếp quản thị xã Quảng Yên, thành phố Hải phòng.
Tháng 8/1955, ông được tuyển vào ngành Bưu Điện, tham gia xây dựng tuyến đường giây Hà Nội – Điện Biên phủ, Hà Nội – Vĩnh Linh. Từ tháng 7/1959 đến tháng 7/1962, ông học tại trường Trung cấp Bưu điện Truyền thanh và được giữ lại trường làm giáo viên kỹ thuật.
|
guyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, là "tư lệnh" |
Tháng 3 năm 1964 ông được lệnh đi B, công tác tại Đài phát thanh Giải phóng A cho đến năm 1975. Đây là thời kỳ ông cùng đồng nghiệp vượt qua vô vàn thiếu thốn, gian khó và thử thách để xây dựng, di chuyển, quản lý các Đài phát sóng phát thanh, bảo đảm làn sóng phát thanh Giải phóng liên tục, vang xa, phục vụ đắc lực cho công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ông Trần Đức Nuôi, Nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, cựu phóng viên Đài phát thanh Giải phóng chia sẻ, trong công việc, ông Ấn làm hết mình, cẩn trọng, chu đáo. Với đồng nghiệp, ông thẳng thắn, sẵn sàng giúp đỡ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.
“Có lúc ông nóng nảy với người này, người khác, nhưng tất cả cũng vì nhiệm vụ mà ông tâm niệm: tất cả cho Đài Giải phóng, tất cả cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính vì vậy mà ông Ấn luôn được đồng nghiệp, bạn bè cảm mến– một con người hết lòng vì sự nghiệp Phát thanh”- ông Trần Đức Nuôi cho biết.
Từ năm 1976 đến năm 1984, ông được đề bạt làm Cục phó, rồi quyền Cục trưởng Kỹ thuật Phát thanh. Ông là Trưởng đoàn chuyên gia Kỹ thuật Phát thanh giúp nước bạn Campuchia khôi phục, xây dựng Đài phát thanh Quốc gia.
“Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam
Vinh dự có được khoảng thời gian dài, với hơn 35 năm làm việc cùng ông Huỳnh Ngọc Ấn, ông Đoàn Việt Trung- Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN cho rằng, ông Ấn là “tư lệnh” của ngành kỹ thuật phát thanh trong thời gian mà kỹ thuật phát thanh của Đài TNVN khó khăn, gian khổ nhất. Dường như ông Ấn sinh ra để làm những công việc khó khăn, gian khổ, nguy hiểm ấy. “Trong suốt quãng thời gian làm việc dưới quyền ông Huỳnh Ngọc Ấn, hình ảnh đọng lại trong tôi là một vị tướng tư lệnh Kỹ thuật phát thanh nghiêm khắc với những mệnh lệnh, chỉ thị ngắn gọn, dứt khoát và đúng lúc”- ông Đoàn Việt Trung chia sẻ.
Ông Đoàn Việt Trung kể: Trong thời gian chống Mỹ, ông Huỳnh Ngọc Ấn lên các phương án đi sơ tán các điện đài, dự phòng cho các điện đài để bảo vệ làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam an toàn. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, ông là người làm ra những mô hình và tổ chức các đoàn làm truyền thanh lưu động trên biên giới để xác định chủ quyền. Ở biên giới Tây Nam, ông cùng các cán bộ Trung tâm Kỹ thuật phát thanh, Đài TNVN giúp bạn Lào, Campuchia xây dựng Đài phát thanh.
|
Ông Đoàn Việt Trung- Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN. (Ảnh: KT) |
Trong thời bình, với ý tưởng phủ sóng mạnh Đài TNVN trên toàn bộ đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và chương trình đối ngoại Tiếng nói Việt Nam ở khu vực ASEAN, Châu Á, trên cương vị Phó Tổng giám đốc Đài TNVN, ông Huỳnh Ngọc Ấn chủ trì xây dựng Đề án Đài phát sóng phát thanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, ông làm Tổng chỉ huy xây dựng Đài phát sóng phát thanh VN2, VN3. Đây là 2 điện đài chủ lực và lớn nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Đây là những công sức mà với vai trò tổng tư lệnh của ông Huỳnh Ngọc Ấn giai đoạn đó, đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ ông Huỳnh Ngọc Ấn là người làm tốt nhất về kỹ thuật phát thanh. Khó có ai có thể làm một cách hoàn thiện và trọn vẹn như ông”- ông Đoàn Việt Trung chia sẻ.
Ông Đoàn Việt Trung cũng cho biết, quãng thời gian kỹ sư gian khổ nhất, thiếu thốn nhất, vất vả nhất nhưng lại đẹp nhất của ông chính là khi ông được làm việc với ông Huỳnh Ngọc Ấn. “Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, thậm chí có cả cơ cực và cay đắng. Nhiều lần tôi đã làm ông Ấn mất ăn, mất ngủ chỉ vì những tranh cãi, không thống nhất trong quá trình làm việc. Nhưng chính ông Ấn lại là người thuyết phục tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”- ông Trung nói.
Tháng 7 năm 1990, ông Huỳnh Ngọc Ấn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trên cương vị mới, ông được giao nhiệm vụ quan trọng là chủ trì xây dựng quy hoạch truyền dẫn phát sóng Phát thanh Việt Nam giai đoạn 1995 – 2000 và sau năm 2000. Ông được Chính phủ và lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam giao trọng trách làm chủ nhiệm điều hành hai dự án cấp Quốc gia là Đài phát sóng phát thanh Nam Bộ và Đài Phát sóng Phát thanh Bắc Bộ.
Trải qua 45 năm công tác, với những đóng góp của mình vì sự nghiệp phát thanh, ông Huỳnh Ngọc Ấn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Nhì, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Hình ảnh về “tư lệnh” Huỳnh Ngọc Ấn luôn là tấm gương để những người làm kỹ thuật phát thanh, các kỹ sư tiếp nối, từng bước đưa ngành kỹ thuật phát thanh phát triển và ngày càng lớn mạnh.