(VOV5) - Chương trình phát thanh đặc biệt ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử phát thanh, là niềm tự hào của những người từng làm tại Đài Phát thanh Giải phóng.
Theo lời kể của ông Nguyễn Duy Tuấn, từ ngày 10/3/1975, khi Quân giải phóng tiến vào Buôn Mê Thuột, nhiều người đã thấy được sự kết thúc của chiến tranh đang đến thật gần. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã nằm trong dự đoán khi chiến thắng từ khắp nơi dội về.
Lúc này, Đài Phát thanh Giải Phóng phát sóng từ Hà Nội, tin tức chiến sự được Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu cung cấp hàng giờ nên những tin tức phát trên Đài nhanh và làm nức lòng cán bộ chiến sĩ đang tiến quân về Sài Gòn.
Sáng sớm 26/4/1975, tại một địa điểm chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 100km, một đoàn tiền phương của Đài Phát thanh Giải Phóng, gồm 36 người, được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giao khẩn trương tiến vào Sài Gòn. Ban chỉ huy đoàn do ông Thanh Nho (Phó Giám đốc Đài) làm trưởng đoàn, ông Huỳnh Minh Lý, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật và ông Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp làm phó đoàn. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng tiến về Sài Gòn.
|
Phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng tại cuộc họp báo ra mắt Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
|
Việc tiếp quản diễn ra nhanh gọn theo chân mũi tiến công thần tốc vào Sài Gòn, một binh chủng đặc biệt, được phân công nhiệm vụ dập tắt tiếng nói của ngụy quyền Sài Gòn... Không nằm ngoài kế hoạch, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên tiếng từ chức thì Đài Phát thanh Giải phóng đã phát đi bản tin đanh thép đặt thời hạn bắt buộc các nhân viên tình báo và cố vấn quân sự Mỹ phải lập tức rời khỏi Sài Gòn.
Ngày 28/4/1975, Đài Phát thanh Giải Phóng tiếp tục phát đi tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, buộc chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận yêu sách của ta đề ra. Cũng buổi chiều hôm ấy, trong một phát biểu ngắn gọn tại lễ nhậm chức, Tổng thống Dương Văn Minh đã đưa ra đề nghị ngừng bắn tức khắc và mở lại hội nghị hòa bình trong khuôn khổ Hiệp định Paris. Đây là thời điểm không có nguồn thông tin nào kịp thời, nhạy bén hơn làn sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải Phóng.
“Đến ngày 28/4, tất cả được lệnh tiến vào Sài Gòn. Đến trưa 30/4, cả đoàn nghe tin đã giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi nhận nhiệm vụ tiếp quản nên gấp rút tiến vào trung tâm Sài Gòn”- ông Nguyễn Duy Tuấn kể.
Thời điểm sáng 30/4, quân giải phóng bắt đầu vượt qua cầu Sài Gòn vào đến Tân Cảng. 9 giờ 30 phút hôm ấy, Đài Phát thanh Giải Phóng phát đi liên tục tuyên bố đơn phương của Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn và chờ cách mạng vào để bàn giao chính quyền.
11 giờ 30 phút, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên nóc dinh Độc Lập. Khoảng 12 giờ , tại Đài Phát thanh Sài Gòn (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Sài Gòn giải phóng, đoàn cán bộ của Đài Phát thanh Giải Phóng tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn và một cơ sở phát thanh của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (số 7, Hồng Thập Tự, quận 1, TP HCM) với toàn bộ bộ hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật. Đoàn động viên một số anh chị em công nhân kỹ thuật của hai cơ sở, ở lại giúp việc.
“Lực lượng phóng viên và kỹ thuật viên của Đài Giải Phóng (gồm bộ phận ở miền Bắc vào và ở R ra) bắt tay vào việc rất nhanh, mặc dù cơ sở vật chất của Đài Giải Phóng khác xa của Đài chế độ Sài Gòn. Ngay đêm đó, chúng tôi được phân công viết bài xã luận chào mừng ngày giải phóng miền Nam, đồng thời kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tôi nhớ lúc đó, anh Nguyễn Hồng Thắng - sau này là Trưởng phòng Phóng viên - Đài Phát thanh Giải Phóng viết bài đó”- ông Nguyễn Duy Tuấn nhớ lại.
Giờ phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất là chương trình đặc biệt lúc 20h ngày 30/4. Từ Đài Phát thanh Sài Gòn (cũ) vang lên nhạc hiệu mở đầu "Giải phóng miền Nam" và giọng đọc trang trọng của phát thanh viên gửi đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ.
Sau đó là những thông báo đầu tiên của chính quyền cách mạng về các chính sách đối với vùng giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cùng các thông tin người dân xuống đường chào đón cách mạng và kỷ niệm ngày trọng đại “Bắc - Nam sum họp một nhà”.
|
Các phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng.
(Ảnh: Tư liệu VOH)
|
Ông Nguyễn Duy Tuấn nhớ lại: “Người được cất giọng đọc trên đài hôm 30/4 là anh Nguyễn Hữu Phước, con của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và chị Vương Thanh Liêm là người trước đây cũng trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn, sướng ngôn giọng nữ chính. Khi tiếng anh Phước và chị Liêm cất lên thì không hiểu tại sao lại xúc động lòng người đến thế, hay quá, thuyết phục quá, đến tụi tôi cũng khóc, nhiều người cùng khóc theo”.
Đêm 30/4/1975, Sài Gòn ngập tràn cờ hoa. Ông Nguyễn Duy Tuấn cùng nhiều đồng nghiệp ra đường cùng người dân thành phố tận hưởng niềm hạnh phúc của ngày hòa bình đầu tiên.