Nhớ tác giả “Vấn đề hôm nay”

(VOV5) - Với chuyên mục “Vấn đề hôm nay”, nhà báo Hoàng Trọng Đan đã tạo ra một “sân chơi” để các phóng viên, biên tập viên được thể hiện.

“Vấn đề hôm nay” là một tiết mục phát thanh trên sóng Thời sự Đài TNVN, khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990 của thế kỷ trước. Người đề xướng tiết mục này và sau đó thường xuyên viết là nhà báo Hoàng Trọng Đan (1939-2013), lúc đó là Trưởng ban Thời sự của Đài. Sau đó, “Vấn đề hôm nay” được nhiều cơ quan báo chí khác cũng lấy là tên tiết mục của đơn vị mình.

Nhớ tác giả “Vấn đề hôm nay” - ảnh 1
Nhà báo Hoàng Trọng Đan (đứng giữa) trong một chuyến công tác tại Cần Thơ năm 1997

“Vấn đề hôm nay” là một dạng bình luận ngắn, cập nhật những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi trong ngày và trong tuần. Đài TNVN lúc đó có nhiều cây bút viết bình luận. Nhưng công bằng mà nói, bình luận chính trị thì nhiều, và thường là viết dài; còn bình luận những vấn đề kinh tế-xã hội-văn hóa… nói chung là “muôn mặt” của đời sống, nhanh nhạy, ngắn gọn thì ít. “Vấn đề hôm nay” ra đời đáp ứng được yêu cầu đó. Chỉ nêu ra đây một ví dụ: Trên tờ báo mạng “Đất Việt” ngày 28/4/2013, bạn Mi An viết mẩu chuyện “Chị ơi, chân chống xe kìa”, phản ánh nghĩa cử khi đi đường nhắc người đi xe máy gạt chân chống. Nội dung này đã được đề cập một lần trong “Vấn đề hôm nay” của thế kỷ trước, qua giọng đọc Đình Khải. Nhân đây cũng phải nói là khi xây dựng tiết mục này, Trưởng ban Thời sự Hoàng Trọng Đan cũng kén giọng đọc và thường để biên tập viên có chất giọng tốt thể hiện.

Tiết mục “Vấn đề hôm nay” được duy trì một thời gian khá dài, ngay cả khi nhà báo Hoàng Trọng Đan chuyển sang nhiệm vụ khác. Tiếp tục “Vấn đề hôm nay”, khi làm Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Tiếng nói Việt Nam, ông thường viết “Vấn đề trong tuần” ở trang 2 tờ báo.

Làm nhà báo, sướng nhất là có “sân chơi”. ở cương vị người lãnh đạo, nhà báo Hoàng Trọng Đan đã tạo ra nhiều tiết mục để các phóng viên - biên tập viên dưới quyền mình thể hiện. Tờ báo Tiếng nói Việt Nam có những mục như “Chuyện làng chuyện xã”; “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, trang văn nghệ… đã thu hút được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tham gia.

“Nói được và làm được”, “Nói được và viết được”, nhà báo Hoàng Trọng Đan là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đi đến cùng nhiều vấn đề được cho là “phức tạp”, “nhạy cảm”. Xin kể ra đây một ví dụ: Kỷ niệm 10 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, chương trình Thời sự lên hẳn một tiết mục, kéo dài hàng tháng, bắt đầu từ ngày 10/3/1985. Tiết mục nêu bật sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của BCH T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng tư lệnh… trong cuộc Tổng tiến công. Nhưng còn vai trò của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp? Biên tập viên tiết mục đã xin được bản chụp bức điện mật số 157 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 (sáng 7/4/1975). Nội dung bức điện như sau:

“Mệnh lệnh:

1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Nhà báo Hoàng Trọng Đan lúc đó là Phó Trưởng ban không chút do dự, đặt bút ký cho phép công bố bức điện này trong tiết mục “10 năm Đại thắng mùa Xuân 1975”. Cộng tác viên Đài TNVN từ biên giới điện về cho biết: Bộ đội ở các chốt đã vỗ tay hoan hô khi nghe được những mệnh lệnh đanh thép này của “Người anh cả quân đội”.

Thời nhà báo Hoàng Trọng Đan làm Trưởng ban Ban Thời sự, Đài TNVN sau nhiều năm, bắt đầu tổ chức thi tuyển phóng viên. Một lớp phóng viên trẻ được phân về Ban Thời sự, tạo ra một luồng sinh khí mới. Người cầm chịch những sinh hoạt tươi vui là đồng chí Trưởng ban. Chương trình “Thời sự và âm nhạc” được xây dựng tạo ra một phong cách làm báo phát thanh mới, có thời là hình mẫu cho nhiều đài phát thanh địa phương. Hội nghị “Bạn nghe chương trình Thời sự và Âm nhạc” được tổ chức ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ban Thời sự có cộng tác viên ở khắp đất nước. Một thế hệ phóng viên trưởng thành hiện đang là lứa cán bộ chủ chốt của Đài.

Những người ở Đài đều thừa nhận: lao động ở Ban Thời sự là “nặng nhọc” và nhiều người ngạc nhiên khi thấy Trưởng ban Thời sự cùng các Phó ban, thu nhập từ năng suất không cao hơn biên tập viên có năng suất cao nhất trong ban. Đây là một quy chế mà nhà báo Hoàng Trọng Đan đề nghị. Trong nhiều năm liền, tập thể Ban Thời sự đoàn kết, hết lòng vì công việc, tạo tiền đề để sau này Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động.

Vốn là một người được đào tạo về ngành nông nghiệp, nhưng nhà báo Hoàng Trọng Đan lại say mê nghề làm báo. Học làm báo nói chung, học làm báo phát thanh nói riêng, rồi sau này học làm báo in. Chẳng những làm nghề, ông còn để tâm tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để có thể truyền nghề cho người khác. Nhớ đến ông, là nhớ đến một tấm gương “tự học".

Sinh thời, với phong cách của mình, nhà báo Hoàng Trọng Đan được người khen cũng nhiều, bị chê trách cũng không ít. Khi ông nằm xuống, với tấm lòng của bè bạn xung quanh, ông có thể vui lòng với những gì ông đã bồi góp cho sự nghiệp báo chí nói chung, và sự nghiệp phát thanh nói riêng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác