Tháng 8/1993, sau khi qua kỳ thi tuyển phóng viên, tôi được nhận vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, gọi là phòng Việt kiều.
Hồi tôi mới vào, phòng Việt kiều chỉ có mấy người: Chú Huy Dung là Trưởng phòng, cô Thuỵ Chóng là Phó phòng, chú Xuân Tân (Đào Dục Tú), cô Huyền Yến, cô Hải Tần, anh Lê Quốc Hưng… là các phóng viên, biên tập viên.
Những thành viên của phòng Việt kiều năm xưa. |
Mới đầu làm phóng viên tập sự, tôi được hướng dẫn những việc đơn giản nhất như: đánh máy chữ (để còn soạn bản tin), đóng báo Nhân dân lại thành tập (để dễ tra cứu), và cả… pha trà nữa!. Sau đó thì được học cách sử dụng máy ghi âm (chiếc máy Sony to gần bằng chiếc cặp học sinh nhưng dày hơn, mà nhiều người nhìn thấy đoán là… máy đo điện), học cách trích băng, cách để không hồi hộp và không đọc vấp trong phòng thu…
Hồi đó đúng là “cầm tay chỉ việc”, các cô, chú và anh Hưng dạy cho tôi từng thao tác một để làm nghề từ chính những kinh nghiệm của người đi trước. Những năm ấy, còn chưa ai có khái niệm kỹ thuật số, Internet là gì, đương nhiên cũng không có Google để nếu không biết điều gì thì tra cứu. Hàng ngày, tôi theo từng thành viên trong phòng sang Trung tâm âm thanh để thu dựng chương trình, quan sát và nghe các cô, chú rủ rỉ kể về những ngày họ mới bước chân vào nghề, những vấp váp từng xảy ra để tôi biết đó mà tránh.
Những phóng viên phòng Việt kiều thời đó sản xuất tin bài bằng chiếc máy đánh chữ. |
Mỗi biên tập viên trong phòng phụ trách tổng thể chương trình 60 phút của một ngày trong tuần, với những format chuyên mục khác nhau. Trong khi tôi cứ “mắt chữ O miệng chữ I” vì thán phục, vì thấy chương trình được thu tiếng, chèn logo chuyên mục, chèn bài hát minh họa, nhạc cắt, tiếng động, phỏng vấn, phát biểu… theo kịch bản soạn sẵn, nhưng khi chuyển thành âm thanh thì hay vô cùng. Cô Hải Tần bảo tôi: bây giờ còn chưa quen thì cháu thấy thích vậy thôi, lúc chương trình phát lên, nghe lại mới phát hiện bao nhiêu chi tiết mà mình còn để sơ suất, lẽ ra là có thể hay hơn. Cứ chịu khó nghe nhiều sẽ rút được kinh nghiệm để mà còn biết làm!
Để dạy tôi viết bài…, chủ yếu là cô Chóng, sửa cho tôi từng câu vì tôi mới ra trường, còn chưa có kinh nghiệm làm báo, một phần vì thói quen của tôi là luôn viết ngắn và dùng từ chính xác đến khô khan. Bài hồi đó viết tay ra giấy, để lãnh đạo sửa, duyệt, rồi mới đánh máy thành văn bản để đi thu, dựng. Các cô chú nhắc nhở tôi, làm sao viết giọng văn mềm mại, lý lẽ chắc chắn, thuyết phục, mới dễ đi vào lòng người. “Bởi vì đối tượng của phòng mình là những người sống xa quê nhiều năm, phải làm sao để cho họ thấy được cuộc sống ở Việt Nam cũng đã đổi mới rất nhiều. Trong khi có những luồng thông tin khác tiêu cực về Việt Nam thì nguồn tin của chúng ta phải tích cực, nhưng phải có tính thuyết phục”. Chính vì lẽ đó mà tôi học được rằng trong chương trình phải có tiếng động, có phát biểu, phỏng vấn… không chỉ để thêm hấp dẫn mà còn tăng tính xác thực cho nội dung thông tin.
Bây giờ kể lại như vậy, các phóng viên trẻ khó có thể hình dung ra. Thời nay chúng ta có Internet và thông tin luôn rất phong phú, đa chiều. Thế nhưng hồi đó, kiều bào ta ở nước ngoài chỉ biết thông tin trong nước qua nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và về sau, từ năm 1998 có truyền hình VTV4 nhưng không phải nơi nào người ta cũng bắt sóng được, xem được. Vì thế mà chương trình có một lượng thính giả trung thành, thường xuyên viết thư về hỏi thăm, góp ý kiến… Nhưng những lá thư gửi đi phải mất hàng tuần sau mới về đến Việt Nam.
Các cô, chú dạy tôi cách phỏng vấn. Những câu hỏi nào sẽ bị coi là ngớ ngẩn, cần tránh. Làm sao để thuyết phục được nhân vật chịu trả lời phỏng vấn. Triển khai vấn đề thế nào để bài phỏng vấn được sâu…
Tôi đã học nghề như vậy, cần mẫn trong nhiều tháng. Khi hết thời hạn tập sự, tôi được phân công làm 1 chương trình trọn vẹn trong tuần. Lúc đó mới phát hiện ra nhiều thứ trông thật đơn giản mà khi bắt tay vào làm lại không dễ chút nào!
Mỗi chương trình được thu âm vào 3 cuộn băng cối: cuộn tin, cuộn giữa và cuộn hết. Cần tính toán làm sao để khi phát thanh viên trực ngày hôm đó đọc, tùy vào giọng của từng người mà tốc độ nhanh hay chậm, bao nhiêu phút văn bản, bao nhiêu phút nhạc. Có lần, tính thời gian không khớp, tôi đã phải chèn một bản nhạc dài lê thê với tiết tấu buồn ngủ vô cùng. Lúc nghe lại thật xấu hổ!
Cuộn tin được làm sau cùng, vào buổi tối, để thu được những tin tức mới nhất đưa đến bạn nghe đài. Tôi ở lại buổi tối để học cách trực cùng các cô chú, xong buổi chiều muộn thường được cô Anh Trang đưa ra ăn quán phở vỉa hè nhưng ngon tuyệt chỗ góc phố Lý Thường Kiệt.
Dịp hối hả nhất là làm chương trình Tết. Phải chuẩn bị từ sớm, thu dựng thật công phu, trau chuốt. Có một chương trình tọa đàm đặc biệt được thực hiện vào 24 tháng Chạp âm lịch, với sự có mặt của những Việt kiều về quê ăn Tết. Đây là chương trình đặc biệt của một năm cho nên được cả phòng đầu tư rất kỹ càng. Mỗi người được phân công một việc, người lo kịch bản, mời khách, đón tiếp, dẫn chương trình, chụp ảnh kỷ niệm, phỏng vấn bên lề…
Cái mà tôi học được từ những người thày - đồng nghiệp đó là thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc của mình. Lãnh đạo phòng luôn tạo điều kiện cho tôi có cơ hội phấn đấu và làm thử: thử phụ trách chuyên mục mới, thử viết Điểm tuần (nhìn lại các sự kiện thời sự trong nước và thế giới tuần qua), thử dẫn chương trình giới thiệu dân ca, thử trò chuyện với bạn nghe đài qua mục Trả lời thư…; rồi nói cho tôi biết những điều tôi đã làm được hay chưa làm được. Chính nhờ được thử sức, tôi càng cố gắng hơn.
Mỗi năm, có mấy dịp chộn rộn, rất vui là dịp kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, dịp sinh nhật Phòng ngày 16/8. Thường xuyên có bạn bè của các cô, chú là đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác hoặc là trong Đài đến chúc mừng, chung vui. Bao giờ cũng có liên hoan, bia hơi với lạc luộc và một vài thứ hoa quả. Mọi người ngồi hàn huyên, kể chuyện, trêu đùa lẫn nhau…
Các nhà báo Đào Xuân Tân, Nguyễn Hải Tần (giữa), Nguyễn Thúy Hoa
|
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác của chuyến đi công tác đầu tiên trong đời, đi theo chú Tân và cô Tần. Chiếc xe U-oát tuy hơi xóc nhưng mà rất thoáng. Những đồi cọ xanh mướt bên đường trải dài khắp tầm mắt, tiếng chú Tân kể một câu chuyện vui và cô Tần cười vang… Cô với chú dạy tôi cách lấy tư liệu rồi viết bài như thế nào.
Năm 1999 tôi chuyển sang làm việc tại Báo điện tử VOV. Đến nay, chú Huy Dung và cô Hải Tần đã đi sang thế giới người hiền. Nhưng những kỷ niệm ngày đó của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Biết ơn những người thầy đầu tiên trong nghề!