(VOV5) - Di cư là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển chung của Việt Nam.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Đại sứ các nước Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển và Vương quốc Anh tại Việt Nam, đã gửi thông điểm tôn vinh sức mạnh của phụ nữ, trẻ em gái trong quá trình di cư.
Trong thông điệp được truyền tải qua hình thức video trực tuyến, Đại sứ các nước, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định: Lao động di cư là một nguồn đóng góp bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Di cư mang đến cho phụ nữ cơ hội cải thiện cuộc sống và gia đình. Tuy nhiên, phụ nữ di cư cũng phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đại sứ các nước, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định cam kết đồng hành với các cơ quan chức năng Việt Nam, các đối tác quốc tế trong bảo vệ và tăng cường năng lực cạnh tranh của phụ nữ Việt Nam di cư trong bối cảnh số hóa toàn cầu.
Di cư là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển chung của Việt Nam, thể hiện ở số lượng công dân Việt Nam di cư để làm việc, học tập, kết hôn, đoàn tụ gia đình và các mục đích khác, ở cả trong và ngoài nước.
Khi cuộc CMCN 4.0 bắt đầu, những tiến bộ về tự động hóa và công nghệ được dự báo sẽ khiến nhu cầu về lao động phổ thông và trình độ thấp giảm nhanh chóng. Có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm trong vòng 15 năm tới. Trong bối cảnh đó, lao động nữ di cư là một trong những đối tượng chịu tác động lớn nhất của cuộc CMCN 4.0 do chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động trình độ thấp.