Các địa phương khắc phục hậu quả do bão Wipha

(VOV5) - Ngành giao thông phải tăng cường kiểm tra, canh gác và chỉ đạo cho các địa phương cắm biển cảnh báo kịp thời không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Các địa phương khắc phục hậu quả do bão Wipha  - ảnh 1

Mưa to kèm gió mạnh khiến nhiều cây xanh bị ngã đổ

Sau khi đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) vào rạng sáng 03/08), bão  Wipha đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Công tác phòng chống ngập úng, sạt lở khi có mưa lớn kéo dài được các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão tiếp tục triển khai.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 03/08, tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa, lũ của hoàn lưu bão Wipha đề phòng sạt lở đất và ngập úng. Triển khai ngay việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, không chỉ an toàn cho nhân dân ở những khu vực nhà ở mà còn phải đảm bảo an toàn ở những ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ xảy ra sạt  lở đất, lũ quét, bị chia cắt. Ngành giao thông phải tăng cường kiểm tra, canh gác và chỉ đạo cho các địa phương cắm biển cảnh báo kịp thời không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Tại Quảng Ninh, nơi bão đổ bộ, mưa to đến rất to, gió gật mạnh tại khu vực Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu về đến Cẩm Phả, Hạ Long. Mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm nhiều cây cối bị gãy, đổ, hơn 100 hộ dân thuộc huyện Tiên Yên bị cô lập... Nước sông Ka Long dâng cao. Ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái,  cho biết: "Lo lắng nhất của chúng tôi là mưa lớn kéo dài trong những ngày tới gây ngập lụt và lũ trên các sông, suối trên địa bàn. Hiện nay Thành phố Móng Cái đã triển khai các phương án như khơi thông các cống rãnh để tránh ngập lụt tại các khu dân cư, tháo nước để tránh ngập lụt diện tích đất nông nghiệp; tiếp tục kiểm soát mức độ lũ lên tại các sông biên giới để có biện pháp di dân và đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân".

Tại Hải Phòng, mưa lớn gây nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các huyện ngoại thành, ảnh hưởng đến gần 36 nghìn ha lúa mùa và nhiều diện tích hoa màu, cây trồng khác…Địa phương đã tổ chức di dời nhiều người dân khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở.

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão Wipha, trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa…xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, sạt lở đất khiến 1 người thiệt mạng và 10 người mất tích. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác