(VOV5) - Báo cáo "Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương" cho thấy cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Ngày 15/03, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương”.
Báo cáo nêu rõ 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến bước phát triển ấn tượng trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam. Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.
Đại diện Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Trong phần đánh giá về Việt Nam, bà Raja Bentaouet Kattan, đồng tác giả của Báo cáo và là Chuyên gia trưởng về giáo dục của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những phát triển ấn tượng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Bà Raja Bentaouet Kattan cho rằng những năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều đổi mới, có các chính sách phù hợp, đồng bộ với thể chế của Việt Nam và thực hiện đầu tư giáo dục hiệu quả. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên được phát triển mạnh về đào tạo kỹ năng tập huấn, nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường.
Báo cáo "Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương" cho thấy cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cũng chỉ ra cách các quốc gia trong khu vực sử dụng để cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Báo cáo này bổ sung và được xây dựng dựa trên Báo cáo "Phát triển Thế giới 2018: Học tập để hiện thực hóa mục tiêu giáo dục", được công bố tháng 9 năm 2017 với nhận định, giáo dục nếu không đi cùng với các mục tiêu học tập sẽ không đạt được cam kết là loại bỏ đói nghèo cùng cực cũng như chia sẻ cơ hội và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.