(VOV5) - Cứ 3 giây trên thế giới lại có một người bị sa sút trí tuệ.
Sáng 17/10/2019 tại Hà Nội, khai mạc Hội thảo quốc gia về sa sút trí tuệ lần thứ 2 với chủ đề Xây dựng chương trình quốc gia về nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ ở Việt Nam.
Hội thảo nhằm tiến tới xây dựng chương trình quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tiếp nối thành công của Hội thảo lần thứ nhất vào tháng 9/2018, Hội thảo năm nay có sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu từ Hội Alzheimer Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm sức khỏe não bộ người cao tuổi, đại học Sydney, đại học Nam Úc, đại học California David và Carolina (Hoa Kỳ) cũng như sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ lao động thương binh và xã hội, Hội Lão khoa Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhiều bệnh viện, trường đại học và các tổ chức xã hội trên toàn quốc.
GS Phạm Thắng cho biết Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết: Già hoá dân số là một vấn đề toàn cầu đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Việt Nam chính thức gia nhập các quốc gia già hoá dân số từ năm 2011 và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi nhiều hơn bất cứ đối tượng nào trong xã hội. Thách thức quan trọng nhất đối với Ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hệ thống y tế mới chỉ thay đổi với một tốc độ khá chậm trong việc thích ứng với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến.
Ông Glenn Rees, Chủ tịch Hội Alzheimer thế giới khẳng định Hội sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong quá trình xây dưng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ. |
Tại Hội thảo, ông Glenn Rees, Chủ tịch hội Alzheimer thế giới khẳng định: Lịch sử cho thấy rằng nếu sa sút trí tuệ không được đưa ra tầm nhìn thông qua một kế hoạch, thì đây sẽ vẫn chỉ là một vấn đề tiềm ẩn. “Kế hoạch hành động toàn cầu về sa sút trí tuệ (GADP) được Hội đồng y tế thế giới công nhận. GADP cung cấp chương trình khung để bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ để giải quyết các tác động xã hội và kinh tế của sa sút trí tuệ. Rất cần thiết một kế hoạch quốc gia để sử dụng tốt nhất các nguồn lực còn hạn chế. Và Hội Alzheimer Thế giới mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.
TS Nguyễn Trung Anh, Giám đôc Bệnh viện Lão khoa Trung ương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lao động Thủ đô |
TS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Theo nghiên cứu, trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc các bệnh phổ biến như: Tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn và điển hình nhất là sa sút trí tuệ (SSTT). Trước đây, gánh nặng bệnh tật là các bệnh truyền nhiễm thì hiện nay chuyển sang các bệnh không lây nhiễm trong đó có SSTT. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, cứ ba giây thì thế giới có thêm một người bị SSTT và số người bị SSTT tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng có những giải pháp nhận diện đầy đủ và có biện pháp ứng phó bệnh SSTT. Vì vậy, việc tiến tới xây dựng chương trình quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ nói chung và ở Việt Nam nói riêng là hết sức cần thiết.
TS Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Anh chuyên gia nghiên cứu thuộc chương trình phát triển nghiên cứu sa sút trí tuệ của NHMRC-ARC, Trung tâm nghiên cứu về Dược và chất lượng sử dụng thuốc, thuộc Trường Đại học Nam Úc, đồng thời là chủ nhiệm dự án NHMRC-NAFOSTED “Tăng cường khả năng ứng phó với sa sút trí tuệ - thiết lập hệ thống bằng chứng nhằm góp phần xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam” đã có phân tích thực trạng cụ thể cho thấy sự cấp thiết trong việc xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam.
Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 17-18/10/2019.