Chiến lược quốc gia của UNESCO tại Việt Nam 2020-2021: Hợp tác vì sự tiến bộ

(VOV5) - Những ưu tiên của UNESCO tại Việt Nam trong Chiến lược quốc gia “Hợp tác vì sự tiến bộ” cũng nằm trong phạm vi các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã hoạt động trở lại với các chương trình, dự án được triển khai. Phân tích sự phát triển của Việt Nam trước đại dịch toàn cầu Covid-19 cho thấy, dù có triển vọng kinh tế khả quan nhưng nếu nhìn sâu hơn nữa vào nền kinh tế, có thể thấy sự bền vững của tăng trưởng đang phải đối diện với nhiều trở ngại. Tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường mới, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam công bố chiến lược quốc gia giai đoạn 2020-2021.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Chia sẻ với báo chí, ông Micheal Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, dựa trên những thành tựu của chiến lược 2018-2019, thời gian tới, UNESCO tiếp tục tập sử dụng năng lực tập hợp của mình để tạo thuận lợi cho các mối quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các cộng đồng địa phương và tích cực tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng phạm vi hợp tác. Các ưu tiên của UNESCO ở Việt Nam trong giai đoạn tới xoay quanh 4 chủ đề về giáo dục, khoa học tự nhiên, văn hóa và thông tin truyền thông.

Chiến lược quốc gia của UNESCO tại Việt Nam 2020-2021: Hợp tác vì sự tiến bộ - ảnh 1Ông Micheal Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ảnh UNESCO VN 

Nói về trung tâm sứ mệnh hỗ trợ cho giáo dục, ông Micheal Croft cho biết UNESCO sẽ hướng đến mục tiêu vì một nền giáo dục bao trùm, công bằng và có chất lượng ở Việt Nam: “Ở mảng này, UNESCO tập trung vào 3 khía cạnh chính. Đó là giúp củng cố hệ thống giáo dục Việt Nam trong 10 năm tới với các bộ số chỉ tiêu chuẩn quốc tế. Để không ai bị bỏ lại phía sau,UNESCO nhấn mạnh đến các dự án giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người, quyền được giáo dục, quan tâm đến học sinh vùng sâu vùng xa. Cùng với đó, UNESCO đang phối hợp với cơ quan hữu quan Việt Nam thiết lập một mô hình giáo dục cho tương lai nhằm bắt kịp xu thế thay đổi của thời đại”

Chiến lược quốc gia của UNESCO tại Việt Nam 2020-2021: Hợp tác vì sự tiến bộ - ảnh 2 Đầu tư cho giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của UNESCO trong các chiến lược hành động của mình tại Việt Nam. Ảnh UNESCO.VN

Ở chủ đề “Khoa học vì sự phát triển bền vững” UNESCO chú trọng vào sử dụng trí thức khoa học, phục vụ cho quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên, phát triển năng lực quản trị về hệ sinh thái biển, quản lý nguồn tài nguyên nước, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển và thích ứng với biến đổi khí hậu. UNESCO đặc biệt có những chương trình dành riêng cho thanh niên nhằm huy động nguồn lực trẻ cho đổi mới sáng tạo.

Đồng hành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc gắn văn hóa vào tiến trình phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

“Chúng ta thấy rằng, văn hóa là một ngành vừa qua bị chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Với rất nhiều di sản được UNESCO ghi danh tại Việt Nam, hiện nay chúng tôi thấy một nhu cầu cấp thiết nhất là cần phải xem lại quy hoạch phát triển cho ngành công nghiêp văn hóa. Khi nói đến các di sản văn hóa và tự nhiên, chúng ta thường quan tâm đến câu chuyện làm sao thúc đẩy du lịch một cách bền vững. Vấn đề này đặc biệt được chú ý nhiều hơn đặc biệt sau đại dịch Covid 19 vừa qua.” Ông Micheal Croft nói,

Chiến lược quốc gia của UNESCO tại Việt Nam 2020-2021: Hợp tác vì sự tiến bộ - ảnh 3Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Ảnh: Nhật Anh

Bên cạnh giúp Việt Nam tăng cường năng lực bảo tồn và quản lý di sản, UNESCO sẽ có những biện pháp can thiệp khác để Việt Nam có thêm nhiều hồ sơ ứng cử vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, ủng hộ trao quyền cho thanh niên thông qua các cơ hội phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt hỗ trợ nền điện ảnh trong nước nhằm làm tăng “sức mạnh mềm” cho văn hóa Việt Nam.

‘Bên cạnh vinh danh giá trị những di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể có vẻ chúng ta chưa quan tâm nhiều đến di sản tư liệu. Đã đến lúc cần phải lưu tâm đến giá trị của phim ảnh, của âm nhạc. Đó là một kho tàng tư liệu quý giá của văn hóa, của xã hội VIệt Nam”.

Một lĩnh vực không kém phần quan trọng của UNESCO trong chiến lược hành động là nâng cao tính chuyên nghiệp, sự phong phú và đa dạng của truyền thông, nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin, tri thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông.

Ông Micheal Croft nói: “Ai cũng thấy, truyền thông có vai trò đối với sự phát triển xã hội rất lớn. Điều điều này được thể hiện rất rõ trong đại dịch vừa qua. Với tốc độ phát triển chóng mặt của mạng xã hội, internet hiện nay thì vai trò truyền thông đang thay đổi song cũng rất phức tạp và có nhiều điều phải lưu tâm. UNESCO sẽ giúp thúc đẩy vai trò của báo chí trong cung cấp thông tin, kiến thức làm sao cho cộng đồng định hình được đâu là nguồn tin đáng tin cậy, khi đối mặt với sự nhiễu loạn thông tin”.

Trong kế hoạch hành động 200-2021, UNESCO một lần nữa nhấn mạnh vai trò hợp tác - đối tác với Việt Nam trong giải quyết những thách thức ở từng lĩnh vực. Những ưu tiên của UNESCO tại Việt Nam trong Chiến lược quốc gia “Hợp tác vì sự tiến bộ” cũng nằm trong phạm vi các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác