Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học

(VOV5) - Trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật nguồn gen phong phú và đặc hữu. Do đó, việc tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học trước những tác động của biến đổi khí hậu là rất quan trọng, cần được đẩy mạnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học  - ảnh 1Mật độ che phủ của cánh rừng thông ở Vườn quốc gia Tam Đảo được đảm bảo, tạo cảnh quan và giữ gìn môi trường sinh thái - Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ Việt Nam ban hành. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền, diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3% - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia, phục hồi được ít nhất 20% hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý hiếm được Việt Nam phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân.

Để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng. Trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, phổ biến chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học  - ảnh 2Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi dưỡng, bảo tồn tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười - Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Chị Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (một tổ chức bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, được thành lập vào năm 2000), cho biết: "Giáo dục cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường càng ngày càng được quan tâm. Chúng tôi mong muốn chương trình bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường được đưa vào giảng dạy chính khóa trong trường học. Như vậy có thể đến được với nhiều người, với nhiều học sinh, lớp trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước".

Việc tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học nhấn mạnh các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Công ước quốc tế về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và quản lý động vật hoang dã. Tuyên truyền về nội dung này được tổ chức với hình thức phù hợp đối với từng nhóm đối tượng; tôn vinh, biểu dương kịp thời các tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong việc bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm. Các địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu đa dạng sinh học, được kêu gọi làm tốt việc cam kết thực hiện bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác